ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM! - NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM!

Chương III: CHI BỘ ĐẢNG THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC, CẢI TẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1954 - 1975)

Đăng lúc: 17:23:54 16/03/2022 (GMT+7)
100%

CHI BỘ ĐẢNG THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO

NHÂN DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC, CẢI TẠO PHÁT TRIỂN

KINH TẾ - XÃ HỘI GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC

(1954 - 1975)

 

I. NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC, CẢI TẠO, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA (1954 - 1960)

1. Chi bộ Đảng khu phố 5, 6 thành lập, lãnh đạo nhân dân khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội (1955 - 1957)

Với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), hòa bình đã được lập lại ở Đông Dương, Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện chủ trương phục hồi thị xã của Chính phủ và Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBKCHC tỉnh Thanh Hóa, tháng 7 năm 1954, Ủy ban hành chính thị xã phân lại khu phố trong toàn thị. Phường Lam Sơn ngày nay thuộc khu phố 5 và khu phố 6. Nhân dân thị xã Thanh Hóa, nhân dân khu phố 5, 6 vô cùng phấn khởi, từ nơi tản cư trở về, nhanh chóng khôi phục xây dựng lại thị xã sau 9 năm kháng chiến gian khổ.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, “gần hai ngàn dân công các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung được huy động về Thị xã để giải phóng lòng đường, vỉa hè” với tinh thần tự lực, tự cường, sau gần 3 vạn ngày công, lực lượng dân công đã mở rộng các đường phố Vườn Hoa, Phố Lớn, Cao Thắng, Phố Chợ,… đã xây dựng được hàng trăm ngôi nhà, đường xá được sửa sang, sạch sẽ, cống rãnh được khai thông, mọi sinh hoạt của nhân dân từng bước trở lại hoạt động bình thường.

Cùng với việc phục hồi khu phố, thị xã, tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng của thị xã và của các khu phố cũng được củng cố và kiện toàn: Thị ủy đã nhanh chóng kiện toàn củng cố các chi bộ trực thuộc nhằm đáp ứng vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong công tác hồi cư, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền 2 khu phố 5, 6 cán bộ, nhân dân đã nỗ lực tích cực vượt qua khó khăn, thử thách do thiên tai, địch hoạ gây ra, đời sống nhân dân tạm ổn định, tình hình trật tự an ninh được đảm bảo. Từ tháng 8/1954 với tình cảm Bắc - Nam ruột thịt cán bộ, nhân dân tham gia tích cực đón tiếp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại cửa biển Sầm Sơn. Được sự thống nhất của Thị ủy, ngày 06 tháng 11 năm 1954, Chi bộ khu phố 5 và khu phố 6 được thành lập. Chi bộ khu phố 5 do đồng chí Nguyễn Văn Thới làm Bí thư; đồng chí Lê Minh, làm Phó Bí thư và đồng chí Nguyễn Văn Nết - Chi ủy viên. Bí thư Chi bộ khu phố 6 là đồng chí Lê Trọng Thứ; Phó Bí thư là đồng chí Nguyễn Văn Lãng; Chi ủy viên là đồng chí Đào Thiện Vỵ.

Với sự thành lập chi bộ, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong chặng đường xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ phường Lam Sơn. Từ đây phong trào cách mạng của khu phố 5 và khu phố 6 đã có chi bộ trực tiếp lãnh đạo.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức chi bộ đảng, Ủy Ban hành chính khu phố 5 và 6 được kiện toàn nhanh chóng bắt tay vào chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động, sản xuất, kinh doanh của nhân dân trong các khu phố.

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng đề ra: miền Bắc phải tiến lên xây dựng CNXH làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Nhiệm vụ trước mắt của nhân dân miền Bắc là tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, đem lại ruộng đất cho nhân dân, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng CNXH.

Cuối năm 1955, thực hiện sự chỉ đạo của Đoàn ủy cải cách làng Phú Cốc và xóm Bào Giang tiến hành cuộc cải cách ruộng đất, Đội cải cách ruộng đất gồm 20 người do ông Nguyễn Quang Chiến (quê Nghệ An) làm Đội trưởng.

Thi hành Sắc lệnh cải cách ruộng đất, Đội cải cách ruộng đất đã tiến hành theo 4 bước:

Bước I: Tuyên truyền chính sách bắt rễ, xâu chuỗi để tìm chỗ dựa, bước đầu củng cố tổ chức.

Bước II: Phân định thành phần, phân ranh giới giữa nông dân và địa chủ, tổ chức đấu tố một số địa chủ gọi là cường hào, ác bá, đầu sỏ có nợ máu với dân.

Bước III: Tịch thu, trưng thu và trưng mua ruộng đất, tài sản của địa chủ chia cho nông dân.

Bước IV: Tổng kết thắng lợi, chỉnh đốn tổ chức.

Trong quá trình cải cách ruộng đất của 3 xóm trong khu phố 5, giai cấp nông dân chủ yếu là bần, cố nông và trung nông lớp dưới đã tích cực tham gia, giúp đỡ đội cải cách ruộng đất tiến hành nhiệm vụ. Họ đấu tố mạnh mẽ, vạch mặt bọn địa chủ cường hào gian ác, đầu sỏ.

Kết quả hết quý I năm 1956, kết thúc cuộc cải cách ruộng đất xóm Bào Giang, làng Phú Cốc đã quy 13 địa chủ. Đội cải cách đã trưng thu, trưng mua được 30 ha ruộng đất (bằng 3/4 số ruộng đất của 3 xóm) hàng chục con trâu bò, hàng chục ngôi nhà cùng nhiều tài sản, nông cụ chia cho nông dân, đặc biệt là các gia đình bần, cố nông.

Cuộc cải cách ruộng đất ở khu phố 5 đã kết thúc thắng lợi, uy thế của giai cấp nông dân được đề cao, vị thế chính trị của giai cấp địa chủ phong kiến bị đè bẹp. Chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất hàng ngàn năm bị xóa bỏ; ước mơ ngàn đời của người nông dân là “Người cày có ruộng” được thực hiện: 100% bần cố nông trong khu phố 5 được chia ruộng đất, nông cụ, tài sản, nhà ở.

Đánh giá thắng lợi của cải cách ruộng đất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định “Hiện nay, ở miền Bắc giai cấp địa chủ căn bản bị đánh đổ. Ruộng đất đã về tay nông dân. Hơn 10 triệu nông dân lao động đã trở thành người làm chủ, hàng vạn cốt cán, được đào tạo; chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất đã vĩnh viễn xóa bỏ. Đó là một cuộc chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội”(1).

Tuy nhiên, bên cạnh thắng lợi to lớn có tính chất chiến lược đó, thì việc thực hiện cải cách ruộng đất trong cả nước nói chung, địa phương nói riêng đã phạm phải một số sai lầm đó là: phương pháp tiến hành máy móc, giáo điều dẫn đến quy sai, không đúng thành phần, xử lý tài sản, ruộng đất theo chủ trương của Đảng ta là 3 biện pháp: tịch thu, trưng thu và trưng mua, nhưng trong thực tế chỉ sử dụng biện pháp tịch thu; tổ chức cơ sở đảng không được thực hiện đầy đủ quyền lãnh đạo của mình; quyền dân chủ của nhân dân cũng không được phát huy; việc phát triển Đảng không đảm bảo nguyên tắc.

Những sai lầm trên đã làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết ở nông thôn tạo cơ hội cho bọn phản động lợi dụng chống phá cách mạng.

Tại Hội nghị lần thứ X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II, tháng 9 năm 1956) đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi cán bộ, đảng viên và giai cấp nông dân trong cả nước đoàn kết cùng nhau sửa chữa sai lầm.

Được sự lãnh đạo chặt chẽ của Thị ủy thị xã Thanh Hóa, tháng 11 năm 1956, ở khu phố 5 đã tiến hành sửa sai kịp thời, một số địa chủ bị quy oan nay được hạ thành phần, nhiều cán bộ, đảng viên bị đấu tố lầm, và quy oan nay được khôi phục, nhận công tác trở lại, họ đi sâu, đi sát cơ sở động viên, tập hợp quần chúng nên đã khôi phục lại niềm tin, sự định kiến, mặc cảm và giải toả tinh thần trong nhân dân, xây dựng khối đoàn kết trong nông thôn để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng tốt hơn.

Cuộc cải cách ruộng đất thắng lợi, Chi ủy, Chi bộ khu phố 5 bắt tay vào việc lãnh đạo toàn dân thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tiên là công tác khôi phục, phát triển kinh tế: Hai khu phố 5 và 6 là 2 khu phố có vị trí trung tâm kinh tế của thị xã nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trên địa bàn phường có các cơ sở kinh tế lớn như: Tổng kho Bách hóa; Công nghệ phẩm; Tổng kho nông sản; chợ Vườn Hoa; Bến xe ca của tỉnh... đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho công việc sản xuất, buôn bán của nhân dân phát triển. Tuy nhiên trong thời gian này, tỉnh Thanh Hóa gặp các trận lụt lớn, liên tiếp nên tình hình sản xuất, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai địch họa gây ra.

Được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, nhiều ngành nghề thủ công được mở rộng và phát triển như: dệt màn, áo may ô, khăn mặt ở phố Cao Thắng; các ngành nghề sửa chữa xe đạp, ô tô, sản xuất chỉ khâu (nhãn hiệu Bông Hường ở xóm Phú). Trên các đường phố của 2 khu phố 5, 6 từ cuối năm 1956 - 1957 đã mở nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán nhộn nhịp, sầm uất như phố Trần Phú, Cao Thắng, Vườn Hoa (nay là Lê Hoàn), phố Chợ (nay là phố Lê Hữu Lập). Các cửa hàng Bách hóa công nghệ phẩm; Điện máy, cửa hàng may đo của Nhà nước.

Bên cạnh khôi phục kinh tế công nghiệp, thủ công nghiệp, chi ủy khu phố 5 quan tâm chỉ đạo khôi phục, phát triển kinh tế Nông nghiệp. Nông dân ở làng Cốc và xóm Bào Giang đã phát huy thế mạnh và vị trí của mình “Nhất cận thị, nhị cận giang” để sản xuất nâng cao đời sống. Các xóm làng trong thời gian những năm 1955 - 1956, đã có tới 90% gia đình sản xuất nông nghiệp và làm thêm việc buôn bán: Như buôn bán hàng lâm sản (ở bến Cầu Cốc); buôn bán trâu, bò. Ngoài ra các hộ gia đình ở các xóm này còn kinh doanh hàng ăn, uống như bán hàng cơm, bánh chưng, bánh tày, cháo bánh canh, làm nem, làm giò, chả…

Có thể nói được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, của thị xã và sự chỉ đạo sâu sát linh hoạt của Chi ủy khu phố 5, 6, sự nỗ lực, năng động của nhân dân, sau 3 năm tiến hành khôi phục phát triển kinh tế (1955 - 1957), kinh tế của địa phương được khôi phục và trên đà phát triển. Cuộc sống của nhân dân đã có nhiều thay đổi. Trên đường phố Trần Phú, Cao Thắng, Vườn Hoa đã mọc lên những ngôi nhà khang trang và những cửa hàng cửa hiệu buôn bán... Tuy đời sống chưa phải là đầy đủ dư thừa, nhưng đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đưa nhân dân ta đi tiếp đến con đường ấm no, hạnh phúc.

Trên cơ sở kinh tế khôi phục, phát triển tạo điều kiện để phát triển văn hóa - xã hội. Được sự quan tâm của Chi ủy, chính quyền khu phố, công tác giáo dục được duy trì, phát triển. Hai khu phố 5, 6 đã thành lập Ban giáo dục với 2 loại hình đó là Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa. Có 1 Trưởng ban giáo dục phụ trách chung cả Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa. Ban giáo dục đã vận động nhân dân tranh thủ thời gian nghỉ trưa, nghỉ tối tích cực học tập để mở mang kiến thức phục vụ cho việc sản xuất, làm ăn. Lớp học là những nhà dân, đền chùa, giáo viên là những người biết chữ do nhân dân bầu ra. Được sự chỉ đạo quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đến cuối năm 1957, nhân dân phố 5 và 6 đã tham gia tích cực với số học viên vài trăm người (tốt nghiệp cấp I) hàng chục người tốt nghiệp Bổ túc cấp II, trên 90% người dân biết đọc, biết viết. Kết quả trên đã góp phần cùng toàn thị xã được đứng thứ 2 về công tác Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa của Tỉnh nhà.

Công tác y tế, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phố 5 và 6 hoạt động của y tế có chuyển biến, từ khu phố đến các đường phố, các xóm đều có cá n bộ y tế. Cán bộ y tế đã tận tuỵ trong việc tiêm chủng phòng ngừa các dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh xóm làng.

Công tác văn hóa: thời kỳ này trên địa bàn phố 5, 6 có 3 Đền thờ vẫn còn nguyên vẹn. Đó là đền thờ Tống Duy Tân; 2 đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Cả 3 ngôi đền đều được các phố cử người trông coi, tu sửa, quét dọn và là nơi để bà con khu phố và khách thập phương đến thắp hương cầu các vị thần phù hộ cho “quốc thái dân an”. Hằng năm nhân dân tổ chức lễ hội vào Tết âm lịch, rằm tháng Giêng… với các trò chơi như hát bội, cờ tướng, đu dây, lễ cúng các vị thần. Ngoài ra trên địa bàn còn lưu lại những câu đối cổ có nội dung ca ngợi công đức các anh hùng dân tộc, hoặc răn dạy điều hay, lẽ phải, hoặc lên án hành vi phản thầy, hại bạn, phản quốc.

Công tác thông tin cổ động được quan tâm. Các cán bộ thông tin với hệ thống loa truyền thanh đã tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, tin tức thời sự được cập nhật đến người dân, nhất là tuyên truyền công tác đấu tranh của nhân dân ta đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương 2 miền thống nhất Tổ quốc. Các đội văn nghệ được thành lập, thường xuyên tập luyện, biểu diễn văn nghệ ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, đất nước và công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường đảm bảo, an ninh chính trị, không để xảy ra những vụ vi phạm lớn ảnh hưởng đến an ninh chính trị của địa phương. Các tổ chức xóm Đội, mạng lưới công an trong xóm đã dựa vào dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ trị an. Công tác huấn luyện dân quân, tự vệ được quan tâm, hàng năm tổ chức hội thao, hoặc dự các hội thao quân sự do Thị đội tổ chức đều đạt giải giỏi, khá.

Về công tác xây dựng chính quyền: được Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã quan tâm chỉ đạo thành lập củng cố, (UBKCHC thời kỳ chống Pháp đến tháng 9/1954 được đổi thành Ủy ban hành chính). Ủy ban hành chính thị xã Thanh Hóa đã quyết định thành lập Ủy Ban hành chính các khu phố. Ủy Ban hành chính khu phố 5 và 6 được thành lập, trực tiếp quản lý điều hành mọi hoạt động trên ở địa bàn. Ủy ban hành chính khu phố 5 do ông Lê Minh làm Chủ tịch, ông Vũ Hữu Chiêu làm Phó Chủ tịch. Ủy ban hành chính khu phố 6 do ông Lê Trọng Thứ làm Chủ tịch, ông Đào Thiện Vỵ làm Phó Chủ tịch.

Trong 3 năm (1955 - 1957), với sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã, các khu phố đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, hồi cư về thị xã xây dựng nhà ở cơ sở hạ tầng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, ổn định tình hình chính trị và đời sống nhân dân, góp phần cùng toàn thị xã hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Thành tích đạt được trong 3 năm qua (1955 - 1957) đã tạo đà cho sự phát triển mới trong những năm tiếp theo của phường Lam Sơn ngày nay.

2. Chi bộ lãnh đạo thực hiện cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1958 - 1960)

Sau 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ sản xuất mới bắt đầu được hình thành và xây dựng.

Tháng 11 năm 1958, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa II) đã thông qua kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) về phát triển nền kinh tế và cải tạo XHCN đối với kinh tế cá thể và tư bản tư doanh. Thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thị ủy đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trong kế hoạch Nhà nước 3 năm (1958 - 1960) phải cơ bản hoàn thành cải tạo XHCN với thợ thủ công. Trên cơ sở đó, Thị ủy đã đề ra các giải pháp lớn để thực hiện cụ thể là: Giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương và chọn con đường đi lên CNXH mà Đảng ta đã đề ra; làm rõ nguyên tắc tự nguyện, dân chủ cùng có lợi để cho người thợ thủ công nghiệp đi vào con đường hợp tác, không quản khó khăn, không suy hơn tính thiệt.

Quán triệt chỉ thị và các giải pháp của Thị ủy Thị xã, cấp ủy, chính quyền khu phố 5 và 6 đã tích cực triển khai nhiệm vụ, phát triển kinh tế trên địa bàn một cách kịp thời, tích cực, chỉ trong thời gian ngắn đã đạt được kết quả đáng phấn khởi. Hàng trăm lao động vào các HTX thủ công nghiệp có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Số hộ của khu phố 5 và 6 tham gia HTX tăng dần: năm 1958 có 12%, năm 1959 tăng lên 64,5% và năm 1960 đạt 94%.

Trong kinh tế nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền khu phố 5 quan tâm chỉ đạo, đã tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện viết đơn gia nhập HTX, xóa bỏ dần con đường làm ăn cá thể đi vào con đường làm ăn tập thể. Qua quá trình vận động, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, khu phố 5 đã thành lập được 2 HTX quy mô bậc thấp đó là: HTX nông nghiệp xóm Phú Cốc do ông Nguyễn Sĩ Đức làm Chủ nhiệm; HTX nông nghiệp xóm Bào Giang do ông Nguyễn Trọng Thìn làm Chủ nhiệm.

Công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đối tượng này thuộc quản lý của tỉnh, của thị xã, khu phố 5 và 6 không nhiều. Trong kháng chiến đi tản cư nhiều nơi, kinh doanh để đảm bảo đời sống là chủ yếu, chưa có tích luỹ. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, thị xã Thanh Hóa tiến hành công tác cải tạo tư bản tư doanh trên diện rộng. Ở hai khu phố số hộ tư sản phần lớn là tư sản dân tộc, họ đã đi theo cách mạng, tham gia và đóng góp cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Sau ngày hòa bình lập lại, hồi cư về thị xã, các hộ tư sản đầu tư vốn, kinh nghiệm vào sản xuất, kinh doanh và đã góp phần giải quyết cho nhiều lao động có công ăn việc làm. Một số người trong tầng lớp tư sản đã tham gia công tác chính quyền ở địa phương và giữ các chức danh như: Trưởng ban thống kê, kế hoạch khu phố 5; Ủy ban hành chính khu phố 6; thường trực Mặt trận Tổ quốc khu phố 6, giáo viên trường 6 vv....

Khi bước vào học tập cải tạo, khu phố 5 và 6 có 8 hộ tư sản (theo các ngành sản xuất kinh doanh) gồm: 2 hộ làm nghề in (thuê từ 3 - 5 công nhân), 1 hộ sản xuất và bán kem cây, 1 hộ mua, bán máy khâu, 1 hộ kinh doanh hàng ăn, 1 hộ bán thuốc Bắc, 1 hộ may mặc (có 4 máy khâu và thuê 4 công nhân), 1 hộ đầu tư vào rạp chiếu bóng Hòa Bình.

Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ 2 khu phố, cuộc vận động cải tạo tư bản tư doanh và công tư hợp doanh được tiến hành. Bắt đầu từ ngày 22 tháng 11 năm 1959, Ban cải tạo tư bản tư doanh thị xã (do đồng chí Nguyễn Văn Thới làm Trưởng ban) được triển khai. Bà con nhân dân hai khu phố tham gia học tập đạt tỷ lệ gần 90%. Trước tiên là ở ba ngành: Thương nghiệp, thủ công nghiệp và văn hóa. Các hộ học tập đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, làm rõ cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa 2 con đường đi lên XHCN và TBCN.

Sau các bài học tập, nhận thức của công nhân được nâng lên và họ đã phát huy tinh thần đấu tranh với chủ. Qua đó, uy thế chính trị, vai trò làm chủ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động được nâng lên.

Kết quả, trong năm 1960, 100% số hộ tư sản trong 2 khu phố (5 và 6) đã tự nguyện nạp tiền, của, tư liệu sản xuất vào công tư hợp doanh.

Trên cơ sở nhận rõ trách nhiệm của mình, số công nhân hoạt động trong các xí nghiệp, cửa hàng công tư hợp doanh, từ phong trào đẩy mạnh thi đua cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nhiều Xí nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch như Xí nghiệp in hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 1960 vượt mức kế hoạch từ 10 - 30%; Rạp Chiếu bóng hạ giá vé hàng loạt (mỗi ghế 1 hào) vv....

Trong 3 năm (1958 - 1960) trên địa bàn phố 5 và 6 đã lập thêm nhiều đơn vị quốc doanh mới như các công ty kinh doanh thương nghiệp, lương thực, nông sản, thủy sản, thực phẩm, bách hóa, vật liệu, Đoàn xếp dỡ trực thuộc thị xã.

Có thể nói 3 năm (1958 - 1960) thực hiện cải tạo và phát triển kinh tế, quan hệ sản xuất mới (quốc doanh, công tư hợp doanh, HTX) đã được xác lập và đã tạo ra những nhân tố mới, những điều kiện và khả năng mới trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần đổi mới bộ mặt đô thị tỉnh lỵ.

Thành tựu đạt được trong quá trình cải tạo phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho bước phát triển trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng ta trong giai đoạn mới, giai đoạn nhân dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961 - 1965).

Về công tác văn hóa - xã hội: được cấp ủy, chính quyền khu phố 5, 6 quan tâm đầu tư chỉ đạo. Công tác xóa nạn mù chữ tiếp tục được đẩy mạnh, theo thống kê đến cuối năm 1960, 98% dân số địa phương đã thoát nạn mù chữ.

Công tác giáo dục phổ thông được cấp ủy, chính quyền chú trọng chỉ đạo, không để các cháu phải thất học. Thời gian này, trên địa bàn thị xã có các trường cấp I, cấp II thu hút 97% số các cháu 7 - 13 tuổi vào cấp I và toàn thể các cháu 6 tuổi vào lớp vỡ lòng.

Công tác Bổ túc văn hóa, được kế thừa giai đoạn trước, đến năm 1960, có hàng trăm người học hết lớp 3 và đã tốt nghiệp cấp I, một số người học lớp 5, lớp 6 và tốt nghiệp cấp II Bổ túc văn hóa.

Công tác văn hóa được triển khai hoạt động tích cực thường xuyên. Phong trào xây dựng nếp sống mới như: cưới xin, ma chay, đảm bảo tiết kiệm, gọn nhẹ, không phô trương hình thức. Năm 1956, Đài truyền thanh tỉnh Thanh Hóa xây dựng ở phố Hàng Than. Khu phố 6 đi đầu trong phong trào văn hóa quần chúng của thị xã.

Phong trào người tốt, việc tốt được phát động rộng rãi, những nét đẹp như giúp người qua đường cơ nhỡ, giúp nhau lúc hoạn nạn, bắt được của rơi trả lại cho người chủ của nó… tất cả là những nét đẹp truyền thống quê hương và cũng là nét đẹp mới nảy sinh từ 1 xã hội mới mà nhân dân ta đang xây dựng.

Công tác thông tin tuyên truyền được tiến hành liên tục, thường xuyên, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi người dân. Tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối bè lũ Mỹ Diệm tàn sát đồng bào miền Nam như ở nhà tù Phú Lợi; đập Vĩnh Trinh (Quảng Nam), kêu gọi nhân dân ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt…

Đội văn nghệ 2 khu phố (5 và 6) tích cực tập luyện, biểu diễn, tuyên truyền các bài hát trong quần chúng về đề tài sản xuất, về đấu tranh thống nhất nước nhà.

Công tác an ninh trật tự trên địa bàn 2 khu phố được đảm bảo và giữ vững, lực lượng dân quân tự vệ được củng cố, thành lập và thường xuyên luyện tập, thanh niên nhập ngũ hằng năm hoàn thành chỉ tiêu Nhà nước giao.

- Về xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng.

Theo quyết định của Ủy ban hành chính thị xã trong những năm 1958 - 1960, Ủy ban hành chính khu phố 5, do ông Vũ Hữu Chiêu làm Chủ tịch; khu phố 6, do ông Phạm Xuân Khang làm Chủ tịch; ông Nguyễn Hữu Mỗi làm Phó Chủ tịch. Bên cạnh việc củng cố công tác chính quyền, việc củng cố, thành lập các tổ chức đoàn thể được đẩy mạnh. Các đoàn thể quần chúng như: Ban Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Lao động đã thu hút ngày một nhiều hội viên tham gia, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh phong trào thi đua như: phong trào hợp tác hóa, phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, phong trào xây dựng nếp sống mới… Qua các phong trào trên đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương và đã chọn cử các đồng chí ưu tú giữ vị trí chủ chốt các tổ chức quần chúng trong 3 năm (1958 - 1960) gồm:

- Ban Mặt trận: Khu phố 5 do ông Đặng Văn Việt làm Trưởng ban; khu phố 6 do ông Nguyễn Tử Ninh làm Trưởng ban.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ: Khu phố 5 do bà Kim, khu phố 6 do bà Nguyễn Thị Tiện làm Hội trưởng.

- Đoàn Thanh Niên lao động: Khu phố 5 do ông Lê Duy Tân làm Bí thư; khu phố 6 do ông Phạm Xuân Khang làm Bí thư.

Được sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ thường xuyên của Thị ủy, công tác xây dựng Đảng ở 2 khu phố 5 và 6 được chú trọng và là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.

Chi ủy 2 khu phố quan tâm thường xuyên công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Về công tác chính trị tư tưởng: Quán triệt, học tập, các chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp, từ đó thấm nhuần quan điểm đường lối, chính sách của Đảng về con đường đi lên CNXH về lập trường giai cấp công nhân, về tinh thần đầu tầu gương mẫu trong các phong trào ở địa phương.

Về công tác tổ chức: luôn rèn luyện, giáo dục phẩm chất đảng viên, phê bình và tự phê bình được tiến hành thường xuyên, duy trì sinh hoạt chi bộ, tổ đảng đều đặn đảm bảo chất lượng cao, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, văn hóa cho đảng viên, chú trọng công tác phát triển đảng viên mới. Trong đợt phát triển đảng viên lớp 6/1, Chi bộ khu phố 6 đã kết nạp được 13 đảng viên, đưa tổng số đảng viên từ 19 đồng chí (năm 1955) lên 42 đồng chí năm 1960; Chi bộ khu phố 5 số lượng đảng viên đến năm 1960 là 51 đồng chí.

Công tác tổ chức: xây dựng kiện toàn chi bộ được tiến hành thường xuyên, chi bộ tiến hành Đại hội mỗi năm 1 lần (đúng theo điều lệ Đảng quy định). Qua các kỳ đại hội, chi bộ đã rút ra được những bài học về lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra và bầu chi ủy mới. Chi bộ khu phố 5 (1958 - 1960) do đồng chí Vũ Hữu Chiêu làm Bí thư; Chi bộ khu phố 6 (1958 - 1960) do đồng chí Phạm Xuân Khang làm Bí thư, chi bộ khu phố 5 và 6 hằng năm được Thị ủy đánh giá là Chi bộ khá toàn diện.

Trong 3 năm (1958 - 1960), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã sự tận tuỵ nỗ lực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong khu phố 5 và 6, công cuộc cải tạo XHCN và bước đầu xây dựng CNXH ở địa bàn đạt kết quả to lớn, đã tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho công cuộc xây dựng CNXH, mà nhiệm vụ trước mắt trọng tâm là thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ Nhất (1961 - 1965) ở địa phương.

II. CHI BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1961 - 1965)

Tháng 9 năm 1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra đường lối chung cho cách mạng cả nước. Đại hội cũng đã đề ra nhiệm vụ mục tiêu cho kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961 - 1965) xây dựng CNXH ở miền Bắc. trong đó nhấn mạnh việc thực hiện đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa, (trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt).

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa III) về phát triển nông nghiệp; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (khóa III) về phát triển công nghiệp, Chi ủy, chính quyền khu phố 5 và 6 đã phát động nhân dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa thành cao trào thi đua sôi nổi, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xây dựng HTX với quy mô lớn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Trước tiên là tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất: Trên cơ sở các HTX được thành lập, trong những năm 1958, 1959, thời gian này trước yêu cầu nhiệm vụ mới các HTX tiếp tục được xây dựng và củng cố để đáp ứng được yêu cầu mới trên các mặt như về tập trung lực lượng, về vốn, về kỹ thuật… Để tiến hành công việc trọng tâm này, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, 2 khu phố đã tiến hành củng cố, xây dựng các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Khu phố 5 có 15 hợp tác xã, cụ thể là:

1 - HTX may Tiến Lập do ông Đặng Văn Chấn làm Chủ nhiệm.

2 - HTX hóa chất Thắng Lợi do ông Nguyễn Văn Nghiên làm Chủ nhiệm.

3 - HTX Hợp Nhất do ông Trần Văn Bống làm Chủ nhiệm.

4 - HTX đúc nhôm do ông Nguyễn Đức Tính làm Chủ nhiệm.

5 - HTX thủy tinh Quyết Tâm do ông Trịnh Đình Mận làm Chủ nhiệm.

6 - HTX kính khóa Vinh Quang do ông Vũ Hữu Dụy làm Chủ nhiệm.

7 - HTX xe đạp Quyết Tiến ông Vũ Hữu Chiêu làm Chủ nhiệm.

8 - HTX trồng răng Rạng Đông do ông Lương Quý làm Chủ nhiệm.

9 - HTX Hàng Nan Liên Hưng, do bà Quý làm Chủ nhiệm.

10 - HTX cắt tóc Thống Nhất do ông Ngô Cận làm Chủ nhiệm.

11 - Đoàn xếp dỡ do ông Trần Xuân Đường làm Chủ nhiệm.

12 - HTX Lâm Sản (Hà Giang) do ông Nguyễn Đình Chinh làm Chủ nhiệm (sau năm 1962, đổi tên là HTX bè Sông Hương, Chủ nhiệm là ông Nguyễn Đình Dung).

13 - HTX Nhuộm Nam Thanh, do ông Lê Đình Dung làm Chủ nhiệm.

14 - HTX thêu Hồng Kỳ, do ông Trương Hán Nguyên làm Chủ nhiệm.

15 - HTX Sửa chữa Đồng hồ Đại Đồng, Chủ nhiệm ông Đoàn Văn Định.

Khu phố 6 có các HTX sau:

1 - HTX may Đồng Tiến. Chủ nhiệm ông Trương Văn Tích.

2 - HTX may Thắng Lợi, Chủ nhiệm bà Đinh Thị Kiểu.

3 - HTX cơ khí xe đạp Thành Công, Chủ nhiệm ông Phạm Xuân Khang.

4 - HTX xe đạp Tân Tiến, Chủ nhiệm ông Thưởng.

5 - HTX khắc dấu Sao Đỏ, Chủ nhiệm ông Nguyễn Hữu Mỗi.

6 - HTX dịch vụ trọ Bắc - Nam, Chủ nhiệm bà Nguyễn Thị Doan.

7 - HTX Dệt Quyết Tiến, Chủ nhiệm bà Cổn

8 - Tập đoàn xe đạp Thống Nhất miền Nam, Trưởng tập đoàn ông Bổng...

9 - HTX Trống, Đàn Hòa Bình, Chủ nhiệm là ông Đào Văn Tiêm.

Đến giũa năm 1961, dưới sự chỉ đạo của Chi ủy, chính quyền 2 khu phố, nhiều HTX đã tiến hành điều chỉnh, sáp nhập, chia tách, ghép nhóm ngành nghề, đưa sản xuất trong các HTX phát triển (tạo điều kiện chuyên môn hóa, dây chuyền hợp lý trong sản xuất) như: HTX may Tiến Lập, HTX may Thắng Lợi, sáp nhập vào HTX may Đồng Tiến thành HTX may mặc Đồng Tiến do ông Trương Văn Tích làm Chủ nhiệm; HTX Hợp Nhất sáp nhập vào HTX Thắng Lợi; HTX khắc dấu Sao Đỏ sáp nhập vào HTX Hàng nan Liên Hưng (khu phố 5) thành HTX Văn phòng phẩm Sao Đỏ do ông Nguyễn Hữu Mỗi làm Chủ nhiệm. 3 HTX là: xe đạp Quyết Tiến; xe đạp Tân Tiến; xe đạp Nhật Tân sáp nhập vào HTX cơ khí Thành Công. Tiếp đó HTX Thành Công tách toàn bộ ngành nghề xe đạp sáp nhập vào HTX Đúc Nhôm Bình Minh thành HTX Minh Thành do ông Nguyễn Công Kiếm làm Chủ nhiệm(1). Sau khi sáp nhập ngành sửa chữa, sản xuất xe đạp HTX Thành Công chỉ còn lại chuyên ngành cơ khí, được Ban công nghiệp tỉnh giao cho nhiệm vụ chủ yếu là đúc lưỡi cày 51 và sản xuất công cụ cầm tay phục vụ nông nghiệp toàn tỉnh.

Trên cơ sở quan hệ sản xuất mới đạt được kết quả tốt, chi ủy 2 khu phố đã phát động đẩy mạnh phong trào phát triển sản xuất trong các HTX với khẩu hiệu “HTX là nhà, xã viên là chủ”, đẩy mạnh phong trào “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, với mục tiêu đề ra “nhanh nhiều, tốt, rẻ”. Trên cơ sở phát huy những thành tích, thuận lợi và nhân tố mới, đã động viên được tiềm năng của ngành tiểu thủ công nghiệp. Kết quả nhiều HTX đã đạt sản lượng cao, chất lượng sản phẩm tốt, giá thành hạ, phục vụ kịp thời yêu cầu sản xuất, đời sống nhân dân trong thị xã và trong tỉnh. Nổi lên trong thời kỳ này là HTX cơ khí Thành Công, sản xuất nhiều công cụ sản xuất nông nghiệp, trong đó các mặt hàng chủ yếu như đúc lưỡi cày 51 (chất lượng cao) chẳng những phục vụ đủ nhu cầu trong tỉnh mà còn xuất ra phục vụ các tỉnh bạn. Ngoài việc tăng năng suất lao động, làm ra nhiều sản phẩm, HTX Thành Công đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho xã viên, đặc biệt là xã viên trẻ, sau này nhiều người đã trở thành thợ bậc cao, có bàn tay vàng trong các nghề như thợ Đúc, thợ Tiện, thợ Rèn.

Ngày 27 tháng 5 năm 1961, Hội nghị thi đua toàn HTX ngành tiểu thủ công nghiệp miền Bắc họp tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tại hội nghị này đồng chí Phạm Xuân Khang, Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm HTX Thành Công đã báo cáo quá trình tổ chức, lãnh đạo xã viên sản xuất sản phẩm hàng hóa phục vụ nông nghiệp và hàng tiêu dùng cho nhân dân. Hội nghị đã thảo luận đi đến kết luận và rút ra 6 bài học kinh nghiệm của HTX cơ khí Thành Công để phổ biến rộng rãi trong ngành thủ công nghiệp toàn miền Bắc.

Sáu bài học kinh nghiệm đó là(1):

1- HTX là nhà, xã viên là chủ.

2- Cần kiệm xây dựng HTX.

3- Thường xuyên phát huy tinh thần tự lực cánh sinh “biến không thành có, biến khó thành dễ”.

4- Thực hiện tốt điều lệ HTX thủ công nghiệp, bảo đảm đúng đắn mối quan hệ Nhà nước - HTX - xã viên.

5- Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

6- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức, xây dựng Đảng và quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của xã viên.

Hợp tác xã Thành Công vinh dự được nhận lá cờ thi đua khá nhất của ngành thủ công nghiệp toàn miền Bắc.

Ngày 11 tháng 12 năm 1961, HTX Cơ khí Thành Công vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Trong buổi nói chuyện với cán bộ, xã viên HTX, Bác đã khen ngợi HTX và nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa cần nhân rộng điển hình “Thành Công” để thúc đẩy phong trào thi đua sôi nổi đều khắp trong phạm vi toàn Tỉnh(2). Ngày 3 tháng 5 năm 1962 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. Sau đó toàn miền Bắc khắp nơi dấy lên phong trào thi đua: Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất, Lửa Thành Công.

Học tập kinh nghiệm sản xuất của HTX cơ khí Thành Công, thi đua với HTX xe đạp Minh Thành, các HTX tiểu thủ công nghiệp 2 khu phố 5 và 6 đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi như cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hợp lý hóa sản xuất… Qua phong trào thi đua đã có tác động mạnh mẽ đưa ngành tiểu thủ công nghiệp ở 2 khu phố tiến lên bước mới. Như HTX may Đồng Tiến trong 3 năm (1961 - 1963) đã thường xuyên tổ chức “thao diễn kỹ thuật” may, cắt theo hệ thống dây chuyền kỹ thuật bộ phận. Nhờ biện pháp này đã từng bước đưa kỹ thuật may lên cao, hạ giá thành sản phẩm. Năm 1962, HTX đã hạ giá thành may gia công cho Nhà nước bình quân từ 10 - 15% giá/1 sản phẩm.

Song song với HTX may Đồng Tiến, HTX cắt tóc Thống Nhất, do biết tích luỹ và tổ chức thêm bộ phận dịch vụ sản xuất quay tông đơ, dao, kéo, đạt kết quả cao phục vụ cho người cắt tóc trong toàn tỉnh. HTX cắt tóc Thống Nhất là ngành dịch vụ đầu tiên trong toàn Tỉnh và kể cả ở miền Bắc trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX. HTX đã có kinh phí trả phụ cấp tiền nuôi con dưới 18 tuổi cho xã viên trong HTX (bằng mức phụ cấp của Nhà nước cho cho xã viên trong HTX (bằng mức phụ cấp của Nhà nước cho con thứ 3 dưới 18 tuổi đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước ở thời điểm bấy giờ).

Qua phong trào thi đua củng cố HTX, phong trào thi đua tăng năng suất lao động, các HTX 2 khu phố càng sản xuất ra nhiều sản phẩm mới. Với tổng giá trị sản lượng năm 1961 đạt hàng ngàn đồng, so với năm 1960 tăng gấp 2 lần. Đặc biệt là sản xuất tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp tăng dần, 6 tháng đầu năm 1961 đạt tỷ trọng 1,5%, đến năm 1962 tăng lên 3,5%.

Năm 1963, thực hiện, phương hướng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ thị xã (7/1962), thực hiện Nghị quyết của Chi bộ, cấp ủy hai khu phố đã phát động phong trào thi đua yêu nước, đi sâu, đi sát các ngành để tìm ra các giải pháp phù hợp lãnh đạo phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất trong các HTX tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp.

Về tiểu thủ công nghiệp: Đến cuối năm 1963, đầu năm 1964 số lao động thủ công nghiệp cả 2 khu phố có tới hàng trăm người. Năm 1963 tổng giá trị đạt tỉ lệ 119,1% so với năm 1962. Năng suất lao động năm 1963 đạt 285 đồng 1 hào/người/tháng. Bình quân đầu người là 23 công/tháng; thu nhập bình quân đầu người hàng tháng đạt 42,9 đồng. Cơ sở vật chất đầu tư từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1964 cho các HTX tiểu thủ công nghiệp ở 2 khu phố là 7 vạn đồng.

Về nông nghiệp: Năm 1961, Chi ủy khu phố 5 đã tổ chức chỉ đạo việc sáp nhập 2 HTX Phú Cốc và Bào Giang thành HTX nông nghiệp Công Nông. Với diện tích canh tác 40ha do ông Nguyễn Trọng Thìn làm Chủ nhiệm.

HTX đã đẩy mạnh phong trào thâm canh tăng năng xuất lúa, màu (đặc biệt là chú trọng trồng rau màu chuyên canh - trồng rau cao cấp). Được sự nhất trí của Thị ủy thị xã Thanh Hóa và Thành ủy Hà Nội, HTX Thanh Mai (Hà Nội) và HTX nông nghiệp Công Nông đã tổ chức kết nghĩa. (HTX Thanh Mai, là HTX có kỹ thuật trồng và chăm bón rau cao cấp như súp lơ, cải bắp, xu hào có năng suất cao) Xã viên HTX nông nghiệp Công Nông học tập và có sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể nhờ vậy hàng vụ, hàng năm sản lượng rau mầu đạt năng suất cao, đời sống xã viên được nâng lên một bước. Đến năm 1963, thực hiện chủ trương của Đảng, HTX nông nghiệp Công Nông đã tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý HTX. Sau thời gian triển khai, HTX đã đề ra kế hoạch sản xuất, hoàn thành hệ thống sổ sách tài vụ, thống kê, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ rau, mầu.

Công tác văn hóa - xã hội:

Công tác giáo dục: Năm 1960, mỗi khu phố có 1 trường, đặt tên theo khu phố, khu phố 5 gọi là trường 5. Trường 5 được xây dựng tại địa điểm hiện nay của trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, (phố Hàng Than). Thời gian này trường có 4 khối (từ khối 1 - khối 4) mỗi khối có 3 lớp với gần 500 học sinh. Hiệu trưởng nhà trường là thầy giáo Nguyễn Thế Kỷ. Trường cấp I khu phố 6 gọi là trường 6 đặt tại khu nhà in Báo Thanh Hóa có hơn 400 học sinh do thầy giáo Lưu Đức Hinh làm Hiệu trưởng.

Cả 2 trường cấp I của 2 khu phố đã dấy lên phong trào thi đua học tập đuổi kịp Trường Bắc Lý (Hà Nam), Trường phổ thông cấp I (Hải Nhân, nay thuộc thị xã Nghi Sơn) là những lá cờ đầu của phong trào “dạy tốt, học tốt” của miền Bắc. Chất lượng giảng dạy đạt khá, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt 98%. Cả 2 trường cấp I khu phố 5 và khu phố 6, nhiều năm đạt danh hiệu tổ, đội lao động XHCN. Tháng 12 năm 1963, thành lập tiểu khu Hoàng Hoa Thám. Năm học 1964 - 1965, trường đi sơ tán theo khối dân cư do thị xã tổ chức.

Công tác y tế: Trạm xá khu phố 5 được xây dựng tại địa điểm (đối diện với UBND phường Lam Sơn hiện nay), ông Nguyễn Học Lới là Trưởng trạm. Trạm xá khu phố 6 trưởng trạm là ông Bùi Huy Quỳnh (địa điểm xây dựng tại số nhà 39 phố Lý Thường Kiệt hiện nay).

Chi bộ và Ban hành chính các khu phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng dịch, tiêm chủng được tiến hành thường xuyên trên địa bàn. Hằng năm đã đẩy lùi và ngăn chặn các dịch bệnh, thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh ở các khối phố, góp phần trong sạch môi trường, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân đảm bảo tốt.

Công tác văn hóa thông tin: Được quan tâm, mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tin tức thời sự được cập nhật hằng ngày qua hệ thống loa truyền thanh của thị xã. Công tác tuyên truyền tập trung vào việc động viên quần chúng, biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, văn hóa, giáo dục, xây dựng nếp sống mới, bảo vệ an ninh phố, xóm. Đặc biệt là tuyên truyền chiến thắng diệt Mỹ - Nguỵ của đồng bào miền Nam, của nhân dân tỉnh Quảng Nam, thị xã Hội An kết nghĩa và gương Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Các ngày lễ hội được chính quyền và nhân dân tổ chức long trọng, vui tươi, nhiều trò chơi truyền thống được khơi dậy, tổ chức như chọi gà, đu dây, múa, hát bội, cờ tướng, đấu vật… Các phong tục lạc hậu, mê tín được xóa bỏ, nếp sống mới, nếp sống văn hóa của người lao động mới làm chủ xã hội - XHCN.

Công tác quốc phòng - an ninh:

Chi ủy, chính quyền thường xuyên coi trọng, quan tâm đến công tác an ninh. Ban bảo vệ dân phố được kiện toàn. Tổ chức nhân dân ở các phố là đơn vị cơ sở của Tiểu khu đã thường xuyên phối hợp với Công an phụ trách khu vực làm tốt công tác an ninh trên địa bàn 2 khu phố. Có thể nói được sự chỉ đạo, quan tâm của cấp ủy, chính quyền 2 khu phố tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn được đảm bảo, giữ vững đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân.

Bên cạnh công tác an ninh, công tác quốc phòng được quan tâm, Tiểu khu thành lập đội dân quân, đã thường xuyên luyện tập phối hợp với lực lượng công an bảo vệ trị an khu vực, ngoài việc thành lập đại đội dân quân mạnh ở khu phố, Thị đội đã cho thành lập trung đội dân quân ở một số HTX có quy mô lớn như HTX Thành Công, HTX Minh Thành, HTX Đồng Tiến. Bên cạnh đó công tác gọi thanh niên nhập ngũ mỗi năm Tiểu khu có từ 20 - 30 người lên đường làm nghĩa vụ quân sự, hoàn thành chỉ tiêu trên giao.

Về nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước: Được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các HTX trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ cả 2 khu phố, Tiểu khu hàng năm đều hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước. Nhiều năm đơn vị được tỉnh, thị xã tặng Bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng bằng hiện vật.

Trong thời gian này, nhân dân địa phương đã đóng góp hàng vạn ngày công lao động công ích như làm sân vận động tỉnh, vét sông…đắp đê sông Mã (đoạn từ xã Đông Hải đến Bến Than xã Quảng Hưng). Đầu năm 1965, lực lượng dân quân, thanh niên tham gia đào đắp công sự cho các trận địa pháo cao xạ tại Hàm Rồng, khu vực cầu Cốc…

Hoạt động của chính quyền và các đoàn thể:

Trong những năm đầu thực hiện kế hoạch Nhà nước 1961 - 1965, theo chủ trương của tỉnh, đầu năm 1961, dưới sự chỉ đạo của Thị ủy, các khu phố của thị xã (từ khu phố 1 đến khu phố 7) được chia ra thành các tiểu khu được gọi là Ban hành chính tiểu khu.

* Khu phố 5 được chia thành 3 tiểu khu:

1 - Tiểu khu Vườn Hoa.

2 - Tiểu khu Bắc Sơn.

3 - Tiểu khu Công Nông.

* Khu phố 6 được chia thành 3 tiểu khu:

1 - Tiểu khu Lê Hồng Phong.

2 - Tiểu khu Ngọc Trạo.

3 - Tiểu khu Lê Lợi.

Mỗi Tiểu khu thành lập Ban hành chính tiểu khu, có con dấu riêng (dấu hình vuông). Ban hành chính tiểu khu được giao chức năng quản lý hành chính dân cư, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng trên địa bàn thuộc tiểu khu quản lý.

Các tổ chức chính trị, xã hội (đều lấy đơn vị hành chính tiểu khu để sinh hoạt, đồng thời cùng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy thị xã và các tổ chức chính trị của Thị xã.

Đến tháng 12 năm 1963, để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng và của địa phương, Thị xã đã ra quyết định sáp nhập 6 tiểu khu thành tiểu khu Hoàng Hoa Thám(1). Tiểu khu Hoàng Hoa Thám trực tiếp quản lý: Khối Ngọc Trạo, Khối Lê Hồng Phong, Khối Cao Thắng, Khối Vườn Hoa, Khối Bắc Sơn, Khối Quyết Thắng, Khối Công Nông. Năm 1972, tỉnh chuyển khu dân cư làng Lai Thành (xã Đông Hải) về thị xã Thanh Hóa, giao cho tiểu khu quản lý. Từ đây đến năm 1981, tiểu khu Hoàng Hoa Thám quản lý 8 khối phố dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt của Ủy Ban hành chính thị xã Thanh Hóa.

Tiếp sau việc thành lập Ban hành chính tiểu khu, Chi bộ đảng và các tổ chức quần chúng tiểu khu Hoàng Hoa Thám được thành lập và nhanh chóng thực thi nhiệm vụ. Trong những năm 1964 - 1965, Ban hành chính Tiểu khu đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, điều hành mọi mặt trong khu dân cư của mình, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ban hành chính tiểu khu Hoàng Hoa Thám nhiệm kỳ 1963 - 1965 gồm có 7 Ủy viên do ông Vũ Hữu Duỵ làm Trưởng ban; bà Lê Thị Ân làm Phó ban.

Hoạt động của các tổ chức quần chúng trong thời gian này đã nêu cao vai trò làm chủ của quần chúng, thực thi pháp luật, tiến hành các cuộc vận động trong các phong trào xây dựng hợp tác hóa, phong trào phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi lên là phong trào thi đua học tập các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong học tập và xây dựng nếp sống mới, con người mới XHCN diễn ra một cách mạnh mẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Công tác xây dựng Đảng:

Tháng 11 năm 1954, Tỉnh ủy quyết định thành lập Chi bộ khu phố. Chi bộ và Ban hành chính đã tổ chức nhân dân 2 khu phố, thực hiện tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đến cuối tháng 12 năm 1963, thành lập tiểu khu Hoàng Hoa Thám. Chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám được thành lập có gần 90 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Tính làm Bí thư, đồng chí Vũ Hữu Duỵ làm Phó Bí thư - Trưởng ban hành chính tiểu khu.

Việc rèn luyện phẩm chất đảng viên và bồi dưỡng lý tưởng XHCN trong Chi bộ luôn luôn được coi trọng. Chi ủy tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Thị ủy đại đa số đảng viên trong Chi bộ đã giữ vững lập trường của giai cấp công nhân, đầu tầu gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, nhất là chính sách xây dựng HTX tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Nhiều cán bộ, đảng viên ngày đêm lăn lộn với phong trào, được nhân dân tin yêu, quý mến. Số đảng viên mắc sai lầm khuyết điểm cũng được Chi bộ đấu tranh phê bình, xử lý kịp thời, càng củng cố thêm niềm tin của quần chúng đối với Đảng.

Bên cạnh đó việc quan tâm phát triển đảng viên mới được Chi ủy chú trọng, tập trung bồi dưỡng lực lượng thanh niên ưu tú, thành phần cơ bản (công nhân, nông dân (bần, cố nông) kết nạp vào Đảng. Từ năm 1961 - 1965, Chi bộ đã kết nạp được hàng chục đảng viên. Chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám năm 1964, 1965 được Thị ủy thị xã Thanh Hóa công nhận đạt danh hiệu “Chi bộ 4 tốt”.

Trải qua 10 năm (1955 - 1965), nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám cùng nhân dân miền Bắc được sống trong khung cảnh hòa bình, với công cuộc khôi phục phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, xây dựng hợp tác hóa và thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ I của Đảng, nhân dân Tiểu khu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ đảng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp tích cực vào việc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng của Đảng, xây dựng hậu phương vững mạnh góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Những thành tích đạt được của Chi bộ, nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám trong 10 năm, đã để lại nhiều kinh nghiệm quý và thực sự đã tạo tiền đề cho việc tập trung nhân tài, vật lực, đảm bảo tiến hành công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc trên chặng đường lịch sử tiếp theo: Chặng đường vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

III. CHI BỘ, ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN VỪA SẢN XUẤT, VỪA CHIẾN ĐẤU CHI VIỆN CHO TIỀN TUYẾN GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1965 - 1975)

1. Chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965 - 1972)

Tiểu khu Hoàng Hoa Thám chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

Ngày 05 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện vịnh Bắc bộ”, chúng cho nhiều tốp máy bay, tàu chiến bắn phá vùng biển Miền Bắc nước ta, trong đó có vùng Lạch Trường (Hoằng Hóa). Quân và dân huyện Hoằng Hóa đã lập công đầu bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắn bị thương 2 chiếc khác.

Trên thực tế năm 1965 “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam đã bị thất bại thảm hại. Để cứu vãn tình thế, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ngày 07 tháng 02 năm 1965, chúng cho máy bay ném bom miền Bắc, Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta. Miền Bắc nước ta bước vào một thời kỳ thử thách mới.

Ngày 25 tháng 3 năm 1965, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa III) nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của nhân dân miền Bắc lúc này là: “phải tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, hết sức coi trọng phòng thủ, trị an, bảo vệ miền Bắc theo phương hướng: vừa chiến đấu tích cực, vừa phòng thủ.… Để chống lại có hiệu quả những cuộc ném bom, bắn phá của địch ngày càng tăng và có thể đạt đến mức ác liệt hơn nhiều, tích cực chi viện cho miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào…”(1)

Tháng 4 năm 1965, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước, chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”(2)

Thực hiện tinh thần nghị quyết của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tỉnh ủy, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh cũng như thị xã Thanh Hóa xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng tránh, sơ tán tốt để đánh thắng mọi thủ đoạn chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Được sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Thị ủy thị xã Thanh Hóa đã xác định nhiệm vụ của thị xã lúc này là phải kịp thời chuyển hướng nền kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng, đồng thời phải kịp thời chuyển hướng tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, khó khăn. Tư tưởng chỉ đạo chung là phải đưa tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của đảng viên và quần chúng lên cao độ, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng và ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào.

Căn cứ vào chủ trương của Tỉnh ủy, Thị ủy thị xã Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai công tác phòng không sơ tán, chỉ đạo các ngành tiến hành đào đắp công sự, hầm hố phòng tránh bom, đạn Mỹ đánh phá.

Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ xuống cơ sở các tiểu khu, cơ quan, xí nghiệp, Hợp tác xã để phổ biến về âm mưu, thủ đoạn trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc, trong đó thị xã Thanh Hóa sẽ là trọng điểm vô cùng ác liệt.

Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân vào điều kiện cụ thể của địa phương, Thị ủy đã tiến hành cho thành lập ban sơ tán, phòng tránh từ thị xã tới các Tiểu khu. Thị xã do đồng chí Chủ tịch làm Trưởng ban, cấp cơ sở do đồng chí Trưởng ban hành chính các tiểu khu làm Trưởng ban, các cơ quan, xí nghiệp, Hợp tác xã do đồng chí thủ trưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã làm Trưởng ban.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, Ban hành chính sơ tán ngoại thị đồng thời được thành lập gồm 4 Ban ở 4 khu vực, mỗi Ban hành chính khối ngoại thị có 3 đồng chí cán bộ do Thường vụ Thị ủy ra quyết định điều động ở cơ quan Ủy ban hành chính thị xã, Công an thị xã và ở cơ sở gồm: một đồng chí Trưởng ban, một đồng chí Phó Trưởng ban, một đồng chí Công an phụ trách an ninh vùng nhân dân sơ tán về các huyện trong tỉnh.

- Ban hành chính (BCH) khối I ngoại thị gồm các xã: Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Thắng, Quảng Thịnh và Quảng Tâm (huyện Quảng Xương, nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Đông Vinh, Đông Quang, Đông Hưng, toàn bộ khu vực Lai thành thuộc xã Đông Hải và xã Đông Vệ (huyện Đông Sơn).

- Ban hành chính khối II ngoại thị phụ trách vùng sơ tán gồm các xã: Đông Tân, Đông Xuân, Đông Thịnh, (một số khoa của Bệnh viện tỉnh) Đông Hoàng, Đông Lĩnh và xã Đông Anh (huyện Đông Sơn).

- Ban hành chính khối III ngoại thị phụ trách gồm các xã: Đông Tiến, (cơ quan Thị ủy, Ủy ban hành chính các đoàn thể và mộ số khoa của bệnh viện) xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn và xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa.

- Ban hành chính khối IV phụ trách sơ tán gồm các xã Thiệu Trung, (Cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh) xã Thiệu Vận, xã Thiệu Tâm và xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa.

Những tháng đầu năm 1965, được sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã, Ban sơ tán thị xã và các Tiểu khu nội thị đã cùng các ban hành chính khối ngoại thị một mặt tổ chức, sắp xếp cho hàng ngàn hộ dân, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sơ tán về các vùng đã được tổ chức. Việc phòng tránh, sơ tán để bảo vệ nhân dân được tỉnh, thị xã đặc biệt quan tâm. Do đó đồng bào sơ tán về các vùng ngoại thị đã được các cấp lãnh đạo huyện, xã và nhân dân địa phương tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp đất cho các Hợp tác xã xây dựng nhà, lán để xã viên ổn định sản xuất lâu dài nơi sơ tán. Các xã Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng (thành phố Thanh Hóa), Đông Vinh (thành phố Thanh Hóa), Đông Tân, Đông Văn, Đông Thịnh, Đông Tiến, Đông Thanh (huyện Đông Sơn) đã dành hàng ngàn mét vuông đất canh tác cho các Hợp tác xã May Đồng Tiến, May Tiến Lập, May Thắng Lợi, HTX dệt chiếu Minh Khai, HTX cơ khí Thành Công xây dựng cơ sở sản xuất cũng như giúp đỡ nhà ở cho các gia đình xã viên các HTX đi theo.

Mặt khác ở nội thị, Ban phòng tránh, sơ tán cùng Thị đội đã thành lập Ban Chỉ huy phòng không từ thị xã đến các Tiểu khu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Thị ủy. Ban Chỉ huy tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã nhanh chóng tổ chức và triển khai các chủ trương, chỉ thị của Thị ủy đến chi bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong Tiểu khu nhận thức được âm mưu, thủ đoạn trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế cuốc Mỹ là vô cùng ác liệt. Từ đó mà vững vàng bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam với tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Tháng 12 năm 1965, Hội nghị lần thứ XII (khóa III) Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phòng miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, sự điều hành của Ban hành chính tiểu khu đã nhanh chóng chuyển hướng kịp thời, mọi hoạt động mang tính “quân sự hóa” trong phát triển sản xuất từ thời bình sang thời chiến; đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tính chất của 2 nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã chủ động các phương án để đối phó với mọi âm mưu thâm độc trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chi bộ đảng trong thời kỳ này là lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị là sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Để nhanh chóng ổn định sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài “năm năm, mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn nữa …”. Việc quan trọng là phải triệt để sơ tán người già, trẻ em, học sinh các trường học trong Tiểu khu đi sơ tán, về các huyện thuộc các Ban hành chính khối ngoại thị mà Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã đã tổ chức. Các cơ sở sản xuất HTX tiểu thủ công nghiệp cũng đồng thời di dời các phương tiện, công cụ, máy móc và nguyên, nhiên vật liệu sản xuất về các vùng sơ tán. Những người trẻ khoẻ ở lại để vừa sản xuất, bảo vệ cơ sở và sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiểu khu. Đại đội dân quân tự vệ được củng cố là những xã viên các HTX nông nghiệp Công Nông, HTX tiểu thủ công nghiệp trực thuộc sự lãnh đạo của Chi bộ và Ban hành chính tiểu khu, do đồng chí khu đội trưởng Trần Văn Soạn trực tiếp làm đại đội trưởng. Đại đội dân quân tự vệ được biên chế cùng với lực lượng ban bảo vệ dân phố do đồng chí Đoàn Văn Định, Phó Trưởng ban hành chính Tiểu khu làm Trưởng ban bảo vệ dân phố. Cả hai lực lượng này đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chi ủy, do đồng chí Bí thư Chi bộ Tiểu khu là Trưởng ban chỉ huy phòng không.

Dưới bom đạn ác liệt, chủ trương chuyển hướng xây dựng kinh tế và tư tưởng tổ chức được thực hiện khẩn trương, có hiệu quả. Đời sống nhân dân, bộ đội, cán bộ, công nhân viên trong thị xã Thanh Hóa nói chung, tiểu khu Hoàng Hoa Thám nói riêng vẫn ổn định bảo đảm sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Về chiến đấu và phục vụ chiến đấu

Lực lượng dân quân tự vệ và bảo vệ dân phố được biên chế thành các trung đội, tiểu đội đến các tổ xung kích (liên lạc phòng không) gồm trung đội săn bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh …, trung đội cứu tải thương, trung đội đào bới sập hầm, trung đội tuần tra, cứu hàng hóa, tổ liên lạc phòng không trực tiếp nắm tình hình các địa điểm khi máy bay Mỹ đánh phá trên địa bàn Tiểu khu về báo cáo cho Ban chỉ huy phòng không biết để điều hành. Đại đội dân quân tự vệ, trung đội trực chiến Nhà máy gỗ Điện Biên, trận địa pháo Công Nông (liền kề phía tây Nhà máy gỗ Điện Biên) đã tổ chức kết nghĩa với các trận địa pháo đồi Quyết Thắng, đồi Không Tên (phường Hàm Rồng); trường Y sỹ Thanh Hóa… Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1965, Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu F105 xâm phạm bầu trời tỉnh ta và thị xã Thanh Hóa Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy phòng không tỉnh nhận định: Trong những ngày tới, Mỹ sẽ cho lực lượng không quân đánh phá ác liệt vào các trọng điểm của tỉnh, trong đó trọng tâm là cầu Hàm Rồng, nhà ga và các đầu mối giao thông quan trọng khác… Riêng cầu Hàm Rồng, nằm trên đường giao thông huyết mạch cả đường sắt, đường bộ, ga Thanh Hóa là điểm tập kết và trung chuyển nhiều mặt hàng chiến lược quan trọng phục vụ cho các chiến trường A, B, C, K. Do đó bọn Mỹ sẽ tập trung không lực rất mạnh để đánh phá hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và các chiến trường …

Không khí chiến tranh bao trùm toàn thị xã, các đường phố vắng hẳn người già, trẻ em đi lại, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh đã đi sơ tán về các địa phương để duy trì dạy và học. Lực lượng dân phòng Tiểu khu thường xuyên đi tuần tra trong địa bàn được phân công cùng Công an khu vực, nhằm bảo vệ tài sản cho nhân dân và các kho tàng của cơ quan, xí nghiệp, HTX. Hầm, hào giao thông, công sự chiến đấu được khẩn trương củng cố, đường phố Vườn Hoa (nay là phố Lê Hoàn) được đắp nổi hệ thống hào giao thông dài gần 400m về phía đông…

Chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã phát động và xây dựng các điển hình “Dũng sỹ diệt Mỹ” trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu rất cao trong các lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố và các tầng lớp nhân dân đều tỏ rõ ý chí chiến đấu ai cũng muốn nhận nhiệm vụ nơi trọng điểm để được phân công trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các trận địa pháo đã kết nghĩa với các đơn vị bộ đội trên địa bàn thị xã.

Hai ngày 3, 4 tháng 4 năm 1965, đế quốc Mỹ dùng máy bay đánh phá ác liệt khu vực Hàm Rồng, lưới lửa phòng không dày đặc đủ tầm cao, tầm thấp súng bộ binh của dân quân tự vệ thị xã Thanh Hóa, Tiểu khu đã kết hợp cùng trung đội tự vệ Nhà máy gỗ Điện Biên góp phần, phối hợp nhịp nhàng cùng dân quân Hàm Rồng, Nam Ngạn và toàn tỉnh bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, phá tan: “Uy thế không lực Hoa Kỳ” mà Tổng thống Mỹ Giônxơn đã từng quyết định để “giành dật thế mặc cả” và “làm cho Hà Nội phải cúi đầu”(1).

Với những phương tiện hiện đại cùng với những tên giặc lái thiện chiến nhà nghề, đế quốc Mỹ đã không từ bỏ một thủ đoạn quỷ quái nào và chúng đã sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ, có sức công phá lớn để hòng đánh sập và biến cầu Hàm Rồng thành đống sắt vụn trong chớp nhoáng, song đó chỉ là “Ảo tưởng” của đế quốc Mỹ.

Chi ủy, Ban hành chính tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã tiến hành tổ chức các cuộc hội nghị Chi bộ mở rộng đến cán bộ, các lực lượng chiến đấu, bảo vệ dân phố để rút kinh nghiệm sau hai ngày (3 và 4/4/1965 máy bay giặc Mỹ đánh phá khu vực Hàm Rồng). Bởi đây là trận mở đầu thắng lớn trong cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Với thắng lợi của trận chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng đã chứng tỏ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhân dân ta.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã ý thức được thắng lợi to lớn và có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống đánh giặc ngoại xâm của các thế hệ cha, anh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược. Chiến thắng vang dội của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn có sự đóng góp to lớn của quân và dân trong tỉnh, thị xã và các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên địa bàn thị xã trong đó có phần đóng góp nhất định của lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Thị ủy, Ủy ban hành chính và Ban Chỉ huy quân sự Thị đội thị xã Thanh Hóa. Với vai trò tích cực của Cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trong Tiểu khu đã thể hiện tính tiền phong gương mẫu đi sâu, sát bám chắc địa bàn và vị trí chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ ném bom bắn phá Thanh Hóa lần thứ hai, trong đó có nhiều trận đánh phá ác liệt vào địa bàn tiểu khu Hoàng Hoa Thám gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân nhân.

Tháng 12 năm 1972 đế quốc Mỹ bị thất bại trong chiến dịch dùng máy bay B52 ném bom rải thảm vào Thủ đô Hà Nội.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari rút quân về nước và chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, Ủy ban hành chính và Ban chỉ huy Thị đội thị xã Thanh Hóa, cán bộ, đảng viên và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám luôn ý thức sâu sắc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do…”, “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm, hoặc lâu hơn nữa”. Với khẩu hiệu “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”. Mười năm đối đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy được truyền thống yêu nước nồng nàn, cần cù trong lao động sản xuất, thông minh sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tiểu khu.

Tháng 10 năm 1972 Trung đội tự vệ chiến đấu của Tiểu khu đã phối hợp cùng với trung đội tự vệ nhà máy gỗ Điện Biên khẩu đội 12ly7, kết hợp cùng bộ đội pháo cao xạ 100, trận địa pháo Công Nông và trận địa pháo trường Y Sỹ (ở khu Tân An, Tân Bình, phường Ngọc Trạo) đã bắn rơi 1 máy bay F105 của giặc Mỹ khi lao xuống ném bom vào nhà máy gỗ Điện Biên và khu dân cư xóm Bào Giang.

Là một Tiểu khu nằm ở vị trí trung tâm sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, nhà máy và các kho tàng lớn của Nhà nước bao gồm các loại hàng hóa phục vụ cho đời sống dân sinh, quốc phòng và các chiến trường nước bạn Lào, Campuchia. Do đó trên địa bàn tiểu khu Hoàng Hoa Thám cũng là một trọng điểm mà Mỹ đã tập trung máy bay đánh phá nhiều trận vào các HTX Sao Đỏ, khu dân cư xóm Bào Giang, khối Quyết Thắng, (nay là phố Hàng Sứ và Cầm Bá Thước), phố Vườn Hoa, phố Lý Thường Kiệt, đại lộ Lê Lợi, nhà máy gỗ Điện Biên, Xí nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu (trên vị trí nhà Văn hóa Lao động Công đoàn tỉnh hiện nay). Các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ dân phố đã dũng cảm trong chiến đấu, trung đội nữ dân quân tự vệ Tiểu khu đã trực tiếp tham gia tiếp đạn cho trận địa pháo cao xạ kết nghĩa. Lực lượng dân phòng đã tham gia đào bới hầm, hào bị bom Mỹ đánh sập ở khu dân cư xóm Bào Giang, nhà máy gỗ Điện Biên, HTX Sao Đỏ hầm chỉ huy phòng không của Thị ủy.

Về sản xuất:

 Nông nghiệp: Từ năm 1965 đến cuối năm 1967 đế quốc Mỹ đã liên tục cho máy bay đánh bom bắn phá vào khắp các cơ sở sản xuất kinh tế tập thể HTX nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn Tiểu khu. Hầu hết các xứ đồng của HTX nông nghiệp Công Nông đều bị bom Mỹ, nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp bị đánh phá vào nhà xưởng thất thiệt về người, tài sản, của cải và nhiều vật chất khác. Song, chi bộ và chính quyền Tiểu khu vẫn vững vàng lãnh đạo sản xuất và chiến đấu: Lực lượng dân quân tự vệ trong các đơn vị HTX nói chung, riêng HTX nông nghiệp Công Nông do ông Nguyễn Trọng Thìn làm Chủ nhiệm, xã viên vẫn bám ruộng, đồng để sản xuất với tinh thần: “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. HTX đã hưởng ứng cuộc phát động của Thị ủy về phong trào “5 tấn thắng Mỹ”, “tay cày, tay súng”, “giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất ngay” HTX đã phấn đấu giành 3 mục tiêu trong nông nghiệp là: 5 tấn thóc, hai con lợn mỗi hộ, một lao động trên ha gieo trồng.

Chi bộ tiểu khu, cùng Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Công Nông đã tổ chức nhiều đợt cho cán bộ, xã viên trong HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất thâm canh rau mầu ở HTX Thanh mai (Thành phố Hà Nội), thâm canh lúa ở HTX nông nghiệp Đông Phương Hồng (huyện Thọ Xuân), kinh nghiệm chăn nuôi của HTX Quảng Hải (huyện Quảng Xương). Do đó năng suất trong nông nghiệp của HTX liên tục trong những năm đánh Mỹ, HTX nông nghiệp Công Nông đều đạt và vượt định mức trong 3 mục tiêu với 5,5 tấn thóc/ha, đầu lợn bình quân 2,7 con/hộ, rau xanh được luân canh, cải tiến kỹ thuật gieo trồng, hàng trăm tấn rau xanh, lương thực, thực phẩm đều hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu Nhà nước giao. Do đó mà đời sống của xã viên trong HTX nông nghiệp Công Nông luôn được ổn định. Năm 1971 Hợp tác xã nông nghiệp Công Nông đạt sản lượng 5.608 tấn, là 1 trong những Hợp tác xã dẫn đầu các HTX trong tỉnh về mục tiêu 5 tấn thóc, 2 con lợn/ha gieo trồng. Từ năm 1964 - 1972 HTX nông nghiệp Công Nông đã ủng hộ hàng chục tấn rau, củ, quả (rau xanh, bắp cải, xu hào, mướp vv…) cho bộ đội, ngoài ra còn cấp đầy đủ lương thực cho trung đội dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Tiểu thủ công nghiệp: Các HTX tiểu thủ công nghiệp trực thuộc sự lãnh đạo của Chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám có: HTX may Tiến Lập có 200 xã viên do ông Đặng Văn Chấn là Chủ nhiệm, ông Nguyễn Ngọc Lịch làm Phó Chủ nhiệm.

- HTX hóa chất Thắng Lợi 250 xã viên do ông Nguyễn Văn Nghiên làm Chủ nhiệm, bà Nguyễn Thị Tuynh và ông Trần Khoa làm phó Chủ nhiệm.

- HTX Sao Đỏ 170 xã viên do bà Nguyễn Thị Tiện làm Chủ nhiệm.

- HTX dệt Quyết Tiến 90 xã viên do bà Cổn làm Chủ nhiệm.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc; trong đó có thị xã Thanh Hóa và tiểu khu Hoàng Hoa Thám, với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, ngành sản xuất tiểu, thủ công nghiệp trong Tiểu khu vẫn phát triển mạnh, hầu hết xã viên trong các HTX đã hưởng ứng lời kêu gọi “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Xã viên các HTX, một bộ phận nhỏ ở lại cơ sở để vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, số xã viên đi sơ tán cũng đã nhanh chóng ổn định sản xuất. Chi bộ và chính quyền Tiểu khu đã xác định việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đời sống nhân dân trong thời chiến là một nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiệm vụ chính trị do Chi bộ đảng và chính quyền Tiểu khu đề ra.

Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, mọi điều kiện phục vụ sản xuất đều thiếu thốn về nguyên nhiên vật liệu. Song, trong phong trào thi đua với tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng, phấn đấu đạt “3 điểm cao” (năng xuất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều) cùng với “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” đã được hầu hết các HTX hưởng ứng. Với tinh thần tích cực, xã viên đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỷ thuật sáng tạo tìm kiếm nguồn, nhiên vật liệu. HTX may Tiến Lập hơn 100 xã viên sơ tán về thôn Tức Tranh xã Quảng Thành (huyện Quảng Xương) nhiều năm liên tục tổ chức hội thi: Thao diễn kỹ thuật may, cắt nhằm rút ngắn dây chuyền sản xuất trong các cung đoạn may gia công hàng cho Nhà nước đưa năng xuất lên cao, từ đó mà xã viên HTX đã tự nguyện nhận hạ giá thành hợp đồng may gia công cho Nhà nước, HTX do tiết kiệm đã trả lại cho Công ty may gia công Thanh Hóa hàng chục ngàn cuộn chỉ khâu (loại 500m/cuộn).

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Thị ủy, Ủy ban hành chính, phòng Thủ công nghiệp, Nông nghiệp thị xã Thanh Hóa: phong trào thi đua cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật đã có tác dụng tốt trong đội ngũ cán bộ, các HTX tiểu thủ công nghiệp, nhiều HTX đã cải tiến các công cụ, phương tiện sản xuất đưa năng xuất lên cao mà định mức nguyên, nhiên vật liệu tiêu hao trên 1 đơn vị sản phẩm được hạ thấp. HTX văn phòng phẩm Sao Đỏ đã cải tiến cối đá nội địa dùng để xay bột mầu chế biến sơn, thay cối đá nhập ngoại của Trung quốc giảm giá thành hàng trăm lần, HTX may Tiến Lập đã có sáng kiến cải tiến dùng dao cắt, thay kéo cắt vải sản xuất gia công mà trước đây dùng kéo cắt tay chỉ được 5 lá vải, sau nghiên cứu, cải tiến kỷ thuật hệ thống bàn cắt thợ kỹ thuật dùng dao có thể mỗi lần cắt được từ 100 đến 120 lớp vải. Do năng xuất lên cao mà thu nhập của xã viên trong khối tiểu, thủ công nghiệp các HTX ngày càng nâng cao, gia đình xã viên và nhân dân trong Tiểu khu càng hăng hái lao động sản xuất và làm nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước. Hầu hết các HTX, tiểu, thủ công nghiệp đều hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ giao, nộp thuế cho Nhà nước.

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, bị thất bại trong chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Tổng thống Mỹ Giônsơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra buộc đế quốc Mỹ phải vào bàn đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam tại Pari (Thủ đô nước Pháp). Ngày 1 tháng 11 năm 1968, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Công tác giáo dục, y tế, văn hóa cũng được cấp ủy chính quyền quan tâm: Sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất kết thúc, các trường học của Tiểu khu lần lượt được trở về, trong khi các trường học, trạm xá đều bị bom đạn Mỹ đánh phá hư hỏng, đây là một khó khăn lớn cho chi bộ và chính quyền Tiểu khu. Năm 1969, trường cấp I Hoàng Hoa Thám thành lập trên cơ sở trường 5 và 6. Được nhân dân, các cơ quan, xí nghiệp, HTX đóng trên địa bàn địa phương đã đóng góp nhiều công sức, vật liệu xây dựng khôi phục lại trường học để các thầy, cô giáo và các em học sinh có trường, lớp để dạy và học, có trạm xá để chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Xí nghiệp học cụ ty Giáo dục Thanh Hóa đã ủng hộ hàng trăm bộ bàn ghế học sinh cho hai trường Cù Chính Lan, Hoàng Hoa Thám các HTX cơ khí Chiến Thắng, hóa chất Thắng lợi, Văn phòng phẩm Sao Đỏ đã ủng hộ hàng chục tấn sắt dẹp bản rộng (2cm x 2mm x 5m) để làm ghế băng cho học sinh các trường và ghế cho hội trường Ủy ban. Tiểu khu đã vận động nhiều người có tay nghề thợ mộc giỏi tham gia sửa chữa, đóng mới bàn ghế cho thầy giáo, cô giáo và học sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn gần 3000 em học sinh của Tiểu khu trong những năm, tháng đi sơ tán học ở các trường vùng ngoại thị, nay được trở về dưới mái trường cũ tuy hãy còn thiếu thốn nhiều mặt, nhưng thầy và trò vẫn nêu cao được tinh thần trong phong trào chi đua “hai tốt”: dạy tốt và học tốt, liên tục là trường tiên tiến của Thị xã.

Phổ cập các lớp, bổ túc văn hóa cấp I, cấp II cho đội ngũ cán bộ HTX của Tiểu khu được tổ chức trở lại bình thường nhằm từng bước nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ địa phương.

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được Chi bộ đặc biệt quan tâm, trạm xá Tiểu khu do ông Nguyễn Học Lới làm Trưởng trạm, các y sỹ, y tá đều là những người “thầy thuốc như mẹ hiền” trong cấp cứu phòng không nhân dân, trong phong trào “sạch làng tốt ruộng” được Ty y tế Thanh Hóa và Bộ y tế công nhận 100% hộ gia đình trên địa bàn Tiểu khu có nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh. Cũng là đơn vị thứ 2 trong toàn tỉnh (sau xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hoàn thành công tác vận động nhân dân làm nhà tiêu hai ngăn do Ty y tế Thanh Hóa phát động.

Văn hóa văn nghệ quần chúng được củng cố xây dựng và phát triển, các tổ văn nghệ trong các HTX, ban văn nghệ Tiểu khu đã tham gia nhiều buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng tại các trận địa pháo, trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, các tổ văn nghệ đã kịp thời mang những câu hò, lời ca, tiếng hát tự biên, tự diễn vào những ngày đêm đào đắp công sự trên đồi Quyết Thắng, đồi Không Tên (khu vực Hàm Rồng, trận địa pháo Công Nông …) đội văn nghệ đoàn xếp dỡ là một đội văn nghệ mạnh của Tiểu khu, đội đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ đến với các đơn vị trận địa pháo. Năm 1970, đội văn nghệ đoàn xếp dỡ tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã tham gia hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc; về phong trào “tiếng hát át tiếng bom” đã đoạt giải nhì, giành huy chương bạc.

Thế hệ trẻ của Tiểu khu cũng rất tự hào đã nối bước được cha, anh trong suốt cuộc trường chinh đánh hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” … thanh niên tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã lớp lớp lên đường tham gia nhập ngũ vào quân đội, đi thanh niên xung phong với khí thế:

“Nước còn giặc còn đi đánh giặc

Chiến trường giục giã bước quân hành”…

Để: “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước

 Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

Năm 1969, tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba về thành tích tuyển quân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gia đình bà Nguyễn Thị Quý ở khối Quyết Thắng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, có chồng và hai con là liệt sỹ. Bà Đỗ Thị Nội ở khối Bắc Sơn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, có chồng và ba con cùng chung một chiến hào đánh Mỹ.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên các đường phố và các trận địa chiến đấu được giữ vững. Ban bảo vệ dân phố do đồng chí Đoàn Văn Định, Phó trưởng Ban hành chính tiểu khu trực tiếp là Trưởng ban bảo vệ đã cùng với Công an đồn 4 (tiểu khu Hoàng Hoa Thám) đã kết hợp thành một lực lượng mạnh, dũng cảm cứu người, cứu hàng và bảo vệ tài sản cho nhân dân, kho tàng của Nhà nước, Công an, ban bảo vệ dân phố Tiểu khu đã dũng cảm không quản khó khăn, hi sinh và đã trực tiếp cứu người, cứu hàng trong nhiều trận chiến đấu.

Các phong trào thi đua trong sản xuất và chiến đấu cũng được chi bộ, chính quyền luôn phát động trong các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhân dân lao động xã viên các HTX luôn ý thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “thi đua là yêu nước”, “ruộng rẩy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”… Trong chiến đấu đã có phong trào: “chắc tay búa, vững tay cày, hay tay súng”. Qua các phong trào đó các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, kể cả công tác tuyển quân, chi viện các chiến trường A - B - C - K để chiến đấu, phục vụ chiến đấu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng

+ Đoàn thanh niên: trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với phong trào “ba sẵn sàng”, “nước còn giặc, còn đi đánh giặc. Chiến trường dục giã bước quân hành”, lớp lớp thanh niên trong Tiểu khu hăng hái đăng ký tuyển quân, hàng năm với hai kỳ gọi thanh niên nhập ngũ Tiểu khu đều hoàn thành chỉ tiêu trên giao.

Ngày 25 tháng 5 năm 1965, đội thanh niên xung phong đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, gồm 1.200 đội viên trong đó có hai tiểu đội của thị xã và Tiểu khu Hoàng Hoa Thám làm lễ xuất quân tại xã Quảng Thắng (nay là phường Quảng Thắng) lên đường tăng cường cho đoàn 559 đi mở đường Trường Sơn huyền thoại.

+ Hội Phụ nữ với phong trào “ba đảm đang” đã trở thành lực lượng gánh vác nhiệm vụ sản xuất chiến đấu, phục vụ chiến đấu với tinh thần “giỏi việc nước đảm việc nhà” để chồng, con và người thân trong gia đình “yên tâm vững bước mà đi”… tiêu diệt quân thù. Hội Phụ nữ đã tiễn đưa hàng trăm lượt thanh niên Tiểu khu lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

+ Ban Mặt trận Tổ quốc Tiểu khu với phong trào “phụ lão ba mẫu mực” các cụ đã gương mẫu trong lối sống, hăng hái tham gia sản xuất, phục vụ chiến đấu theo khả năng sức khoẻ của mình đề giúp con cháu trong gia đình và đoàn thể. Bằng uy tín của lớp người cao tuổi, các cụ phụ lão đã tham gia nhiều phong trào vận động có ý nghĩa: vận động con cháu hăng hái tòng quân đánh giặc, vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm. Thông qua các phong trào quần chúng đã đoàn kết toàn dân thành sức mạnh tập thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tiểu khu.

Công tác xây dựng chính quyền:

Từ năm 1965 - 1972 tiểu khu là cấp chính quyền cơ sở của thị xã Thanh Hóa. Ban hành chính (BHC) tiểu khu có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban hành chính phụ trách kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh …

Công tác xây dựng Đảng:

Từ năm 1965 - 1971 là Chi bộ đảng tiểu khu, dưới Chi bộ đảng tiểu khu là các tổ đảng theo cụm dân cư các đường phố và trong các HTX nông nghiệp; tiểu, thủ công nghiệp đồng chí Tổ trưởng tổ Đảng chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng cấp trên về quản lý đảng viên và tổ chức các kỳ họp chi bộ. Tổ trưởng lãnh đạo quần chúng nhân dân ở các cụm dân cư, trong các HTX … Chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chi bộ đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ ba lần. Nghị quyết các kỳ Đại hội xuyên xuốt cả thời chống Mỹ cứu nước là sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tốt và làm giao thông vận tải đảm bảo thông suốt chi viện miền Nam ruột thịt.

Từ năm 1965 - 1968, đồng chí Nguyễn Đức Tính làm Bí thư Chi bộ; Năm 1968 đến 1971, đồng chí Vũ Hữu Duỵ làm Bí thư; đồng chí Ngô Cận làm Phó Bí thư.

Qua ba nhiệm kỳ Đại hội, Chi bộ luôn quan tâm đến công tác phát triển Đảng. Riêng lớp đảng viên Hồ Chí Minh Chi bộ kết nạp được 5 đồng chí đảng viên mới. Hầu hết số đảng viên nói chung, đảng viên kết nạp lớp Hồ Chí Minh nói riêng đều phát huy được vai trò đầu tầu gương mẫu các đồng chí được cấp trên điều động đi nhận công tác ở Thị ủy, Ủy ban hành chính thị xã Thanh Hóa đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao Chi bộ tiểu khu nhiều năm được Thị ủy công nhận chi bộ “4 tốt “, 100% tổ đảng, 95 - 98% đảng viên trong chi bộ đạt tiêu chuẩn “4 tốt”.

Đầu năm 1972, Tỉnh ủy chủ trương chuyển chi bộ các tiểu khu trong toàn thị xã lên Đảng bộ cơ sở, Thị ủy thị xã Thanh Hóa đã chỉ đạo cho các chi bộ thuộc các tiểu khu trong toàn thị xã triển khai thực hiện. Theo đó, Chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám chuyển thành Đảng bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám, đây là một thuận lợi cho sự lãnh đạo cho Đảng, chính quyền Tiểu khu.

Thị ủy chỉ định Đảng ủy tiểu khu Hoàng Hoa Thám lâm thời và đồng chí Vũ Hữu Duỵ được chỉ định làm Bí thư. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, Đảng bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ Nhất để kiểm điểm hoạt động của Chi bộ nhiệm kỳ 1969 - 1971 và đề ra nghị quyết cho nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí; đồng chí Vũ Hữu Duỵ được bầu làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Ngô Cận làm Phó Bí thư.

Tháng 01/ năm 1972, đế quốc Mỹ cho máy bay đánh phá trở lại miền Bắc. Đây là một âm mưu thâm độc mới của Ních Sơn nhằm cứu vãn những thất bại trong cuộc “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam.

Thị ủy đã triệu tập nhiều cuộc họp khẩn đến các cơ sở đảng, chính quyền, các cơ quan xí nghiệp, HTX để triển khai công tác phòng tránh, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Không khí chiến tranh lại bao trùm trên khắp địa bàn thị xã và các vùng phụ cận.

Đảng ủy phân công các đồng chí cán bộ tiếp tục chuẩn bị cho người già, trẻ em và học sinh các trường đi sơ tán ra ngoài vùng nội thị, hầm hào được củng cố, sửa chữa và đào mới hàng ngàn mét hào giao thông trên đường phố Vườn Hoa (phố Lê Hoàn hiện nay). Thị ủy đã chỉ rõ cho cán bộ, nhân dân hết sức nâng cao cảnh giác, đề phòng âm mưu của đế quốc Mỹ, chúng đánh phá vào thị xã sẽ vô cùng ác liệt hơn.

Cuối tháng 3 năm 1972, nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã sơ tán gồm 1430 hộ với trên 7000 nhân khẩu về các xã Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Thịnh của huyện Quảng Xương và các xã Đông Tân, Đông Tiến, Đông Thanh, Đông Thịnh, Đông Văn thuộc huyện Đông Sơn.

Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ diễn ra ngắn hơn (so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất), nhưng cường độ bắn phá liên tục và ác liệt hơn, chúng đã sử dụng các loại máy bay hiện đại nhất nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, nhân dân Tiểu khu Hoàng Hoa Thám vẫn kiên cường bám ruộng, bám cơ sở để sản xuất chiến đấu “giặc đến thì đánh, giặc đi là sản xuất ngay”. Đồng thời trong công tác tuyển quân chi viện miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên nam nữ hăng hái lên đường ra mặt trận.

Chỉ riêng đợt 3, trong một ngày 15 tháng 11 năm 1972, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể đã tiễn đưa 37 thanh niên nam, nữ là con em trong Tiểu khu lên đường nhập ngũ. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1972, theo yêu cầu chi viện cho chiến trường, Ủy ban hành chính thị xã đã thành lập đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng từ Thanh Hóa vào Nghệ An gọi là đoàn dân công hoả tuyến Nam Thanh - Bắc Nghệ (Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An) của thị xã Thanh Hóa, tiểu khu Hoàng Hoa Thám được giao nhiệm vụ huy động và thành lập một trung đội gồm 30 người do đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳ, Phó Trưởng ban hành chính tiểu khu làm trung đội trưởng. Suốt 120 ngày cùng với thời gian, một cuộc hành quân của đoàn dân công hoả tuyến dài 4500 km phải vượt qua nhiều trọng điểm mà máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, đơn vị đã có những người hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Nhưng với tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ hi sinh, trung đội dân công hoả tuyến tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã đóng góp vào thành tích chung cùng đoàn Nam Thanh - Bắc Nghệ thị xã Thanh Hóa đưa tới đích trên 500 tấn lương thực, thực phẩm và quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam ăn no đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau 8 tháng đánh phá miền Bắc lần thứ hai (từ tháng 4 - 8/1972), với trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô Hà Nội, ngày 30 tháng 12, Ních Sơn buộc phải ra lệnh ngừng các cuộc ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cùng nhân dân trong tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám bước vào thực hiện khôi phục kinh tế, văn hóa chi viện miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

2. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế chi viện cho miền Nam góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1973 - 1975)

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Thị ủy và Ủy ban hành chính thị xã Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã biết vận dụng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương một cách cụ thể để huy động sức dân trong từng giai đoạn cho phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Chính phủ Mỹ buộc phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” tại Pari, Thủ đô nước Pháp.

Qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tiểu khu Hoàng Hoa Thám cũng là một trong những địa phương của thị xã bị bom đạn Mỹ bắn phá vô cùng nặng nề, thiệt hại lớn về người và của: Nhà kho, trại giống trên đồng ruộng của HTX nông nghiệp Công Nông cũng bị bom đạn Mỹ đào, xới.

Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong các HTX, các trường học cũng bị phá hủy hoàn toàn.

Lúc này Đảng bộ cơ sở càng ý thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong Tiểu khu đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau và coi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến, từng bước ổn định đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị của Tiểu khu.

Với tinh thần tập trung lãnh đạo sản xuất, nhiều HTX đã sửa chữa được nhà xưởng, chuồng, trại để nhanh chóng sản xuất, xã viên HTX nông nghiệp Công Nông tập trung sức người san lấp hố bom, nạo vét kênh mương, chi giang 23, khoanh vùng trồng rau xanh phục vụ nhân dân. Năm 1972 - 1975 HTX nông nghiệp Công Nông cũng đã thực hiện “Hậu phương thi đua với tiền phương”. Ngoài việc đã cung cấp 35 tấn lương thực, 23 tấn lợn hơi, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ, nộp thuế, bán lương thực, thực phẩm cho Nhà nước: HTX nông nghiệp Công Nông còn ủng hộ hàng chục tấn rau xanh cho các đơn vị pháo cao xạ trên các trận địa Hàm Rồng, Đình Hương, Cồn vịt (xã Đông Thọ)….

Các HTX tiểu thủ công nghiệp từng bước đưa dần xã viên, phương tiện về cơ sở nội thị để sản xuất.

Các trường học Cù Chính Lan, Hoàng Hoa Thám, sửa chữa lại với phương châm của Đảng ủy, chính quyền là “kín cổng, cao tường, kín mái” được nhân dân ủng hộ, hai năm học 1973 - 1974; 1974 - 1975 các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh cả hai trường Cù Chính Lan và Hoàng Hoa Thám cơ bản đã ổn định đi vào nề nếp dạy và học.

Tháng 10 năm 1975, Tiểu khu đã được Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa và Bộ y tế do Thứ trưởng Nguyễn Tăng Ấm về thăm, tặng quà.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, Đảng bộ Tiểu khu đặc biệt chú trọng nhiệm vụ chi viện chiến trường. Mặc dù phải đảm bảo chiến đấu tại chỗ, nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám tích cực làm nhiệm vụ hậu phương với tiền tuyến. Năm 1967, Thanh Hóa huấn luyện tiểu đoàn đặc công Lam Sơn gồm 500 chiến sỹ vào chiến trường Quảng Nam... góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong những năm 1969 - 1972, Thanh Hóa huấn luyện 87 tiểu đoàn, trong đó có 4 tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn Lam Sơn... Trong 2 năm (1973 - 1974) Tiểu khu đều hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao. Riêng đợt tuyển quân bổ sung, tháng 2 năm 1975, trên giao cho Tiểu khu số lượng 65 người, Đảng bộ đã chỉ đạo, động viên con em trong Tiểu khu tham gia khám nghĩa vụ quân sự và giao 92 người (vượt chỉ tiêu 27 người).

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kết thúc, đất nước độc lập, thống nhất. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều địa phương trong tỉnh ta đã bị máy bay giặc Mỹ ném bom, bắn phá hoặc bị tàu chiến Mỹ từ biển pháo kích vào. “Trên địa bàn toàn tỉnh vùng đồng bằng có 84,2% số xã, vùng miền núi 73% số xã, vùng biển có 100% số xã bị Mỹ ném bom bắn phá. Bom đạn của Mỹ đã dội xuống tỉnh ta hơn 20 vạn tấn và hàng ngàn tên lửa, đạn zôckét, trên 34 ngàn quả đại bác từ tầu chiến Mỹ ngoài biển bắn vào. Bình quân trên mỗi km2 vuông đất trong tỉnh phải chịu đựng 19,7 tấn bom, mỗi đầu người dân phải chịu đựng 220 kg bom đạn. Bom đạn của giặc Mỹ đã giết hại 8.287 người, làm bị thương 12.784 người trong đó có nhiều trẻ em, người già”(1).

Từ năm 1965 - 1972 riêng trên địa bàn tiểu khu Hoàng Hoa Thám (nay là phường Lam Sơn thành phố Thanh Hóa) đế quốc Mỹ đã ném bom bắn phá ác liệt. Điển hình:

- Ngày 19 tháng Chạp âm lịch (1966), máy bay Mỹ đánh phá vào xí nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, HTX Sao Đỏ (khối Quyết Thắng) đã gây thiệt hại nhiều tài sản và chết một xã viên HTX Sao Đỏ.

- 1h30, ngày 30 tháng 4 năm 1967 máy bay Mỹ đánh phá vào các phố Vườn Hoa (Lê Hoàn) Cao Thắng, Lý Thường Kiệt đại lộ Lê Lợi đốt cháy và làm hư hỏng 100 nóc nhà, một gia đình bị chết gồm 4 người.

- 9h ngày 12 tháng 2 âm lịch (1968): Máy bay Mỹ đánh phá vào xóm Bào Giang, làm cháy và hư hỏng trên 30 nóc nhà và làm chết 5 người.

- Ngày 14/8, 9/9, 9/10 năm 1972 giặc Mỹ đã bắn phá ném bom rộng khắp nhiều trọng điểm trên phạm vi toàn thị xã, trong đó có các điểm của tiểu khu Hoàng Hoa Thám như Nhà máy gỗ Điện Biên, xóm Bào Giang, phố Tống Duy Tân, khối Quyết Thắng, HTX Sao Đỏ, đã gây nhiều thiệt hại người với hàng trăm nóc nhà bị đốt cháy, đổ nát.

- Ngày 28 tháng 9 năm 1972: Máy bay Mỹ đánh phá vào nhà máy gỗ Điện Biên, xóm Bào Giang, khối Quyết Thắng đốt cháy trên 50 nóc nhà, làm hư hỏng nhiều tài sản của nhân dân và nhà máy, một đồng chí nữ tự vệ nhà máy gỗ Điện Biên, Lê Thị Xuân, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ nhà máy.

+ Lúc 12h5’ Cùng ngày, tại khối Quyết Thắng giặc Mỹ đã ném bom bắn phá vào gia đình cụ Khoa làm sập hầm 7 người đã bị chết (trong đó người cao tuổi nhất là 72, người nhỏ tuổi nhất mới lên 2)

- Ngày 23/8 Âm lịch (1972):Máy bay Mỹ đánh vào xóm Bào Giang, xóm Cốc, Phố Tống Duy Tân làm cháy, hư hỏng nhiều nhà và 5 người bị chết.

- Ngày 14 tháng 9 năm 1972 máy bay Mỹ đánh nhiều trận vào kho lương thực tại rạp chiếu bóng Hội An (tiểu khu Ba Đình). Lực lượng tự vệ và dân phòng tiểu khu Hoàng Hoa Thám được lệnh tham gia cứu chữa, đã cứu được 400 tấn lương thực. Đội ngũ tự vệ công đoàn xếp dỡ - tiểu khu Hoàng Hoa Thám trong khi làm nhiệm vụ có 2 nữ tự vệ đã hi sinh; đã được công nhận liệt sỹ (Trần Thị Việt và Nguyễn Thị Chinh).

- Ngày 9 tháng 10 năm 1972 máy bay Mỹ đánh vào khu vực phía Bắc phố Vườn Hoa (nay là phố Lê Hoàn) đánh sập hầm, hào của Ban chỉ huy phòng không thị xã, có một số cán bộ lãnh đạo hy sinh trong đó có đ/c Hoàng Tửu - Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Thanh Hóa và đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Thường vụ Thị đoàn.

- 11h ngày 16/11 (âm lịch) năm 1972, máy bay Mỹ đánh vào một bộ phận văn phòng của HTX cơ khí Thành Công làm nhiều nhà cửa bị cháy, một cán bộ của HTX hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ (liệt sỹ Nguyễn Văn Ứng).

10 năm (1965 - 1975) một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, vừa đảm bảo cuộc chiến đấu tại chỗ, vừa chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt, nhiều cơ sở bị máy bay địch bắn phá ác liệt, nhân dân đi sơ tán nhiều nơi nhưng cán bộ và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám trước đây (phường Lam Sơn ngày nay) vẫn đảm bảo vượt mức nghĩa vụ tuyển quân, cung cấp cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Trong 21 năm (7/1954 - 4/1975) cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân phường Lam Sơn hôm nay đã tiễn đưa 837 người con nhập ngũ (trong số đó 740 quân nhân nam và 97 quân nhân nữ của 604 gia đình, khắp các chiến trường, có gia đình như gia đình ông bà Đỗ Thị Nội có 4 cha con cùng nhập ngũ; 36 gia đình có 3 con; 158 gia đình có 2 con và 409 gia đình có 1 con); thành lập được 2 tiểu đội Thanh niên xung phong vv… Hòa trong niềm vui chung của toàn dân tộc, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiểu khu Hoàng Hoa Thám tự hào đã góp phần xứng đáng vào thành tích chung cùng cả nước hoàn thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân đã được Nhà nước tặng thưởng: Một Huân chương kháng chiến hạng Ba (năm 1969) về thành tích tuyển quân chi viện; một Huân chương Lao động hạng Ba (thành tích về công tác thương binh xã hội); Một huân chương Lao động hạng Ba (thành tích về công tác chính sách hậu phương quân đội).

21 năm cùng một lúc cùng nhân dân miền Bắc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Đảng bộ Tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã từng bước trưởng thành: Tổ chức Đảng được củng cố, từ 2 chi bộ của 2 khu phố (khu phố 5 và khu phố 6) thành lập ngày 6/11/1954 đến chi bộ Đảng tiêu khu Hoàng Hoa Thám thành lập cuối tháng 12/1963 và đầu năm 1972, chi bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám chuyển thành Đảng bộ Hoàng Hoa Thám; quan điểm, lập trường tư tưởng của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tiến bộ, gương mẫu tích cực và giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn luôn có niềm tin tưởng sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái phấn đấu dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.



(1). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) tháng 9 năm 1954.

(1). HTX Minh Thành, sau này chuyển về phường Ba Đình.

(1). Những sự kiện lịch sử Đảng bộ thành phố Thanh Hóa lãnh đạo phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp. Xuất bản 2004, tr 40.

(2). Sđd. tr 40 - 41.

(1). Hoàng Hoa Thám là tên vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chống thực dân Pháp xâm lược.

(1). Nghị quyết lần thứ XI BCH Trung ương Đảng ngày 28/3/1965 lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập Nxb, Sự thật - Hà Nội 1985, tập 10, trang 89.

(1). Trong ngày 3,4-4/1965, riêng ở Hàm Rồng địch bổ nhào 85 lần, cắt bom, bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn zốckét gồm các loại từ 75mm đến 127 mm.Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

(1). Lịch sử Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa (1930 - 1999), 6/1999; tr151. 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
587
Hôm qua:
802
Tuần này:
4141
Tháng này:
11920
Tất cả:
371274

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289