ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM! - NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM!

Chương IV: ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN CÙNG CẢ NƯỚC XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI (1975 - 1995)

Đăng lúc: 17:23:50 16/03/2022 (GMT+7)
100%

ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN CÙNG CẢ NƯỚC

XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC

VÀ THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI

(1975 - 1995)

 

I. ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI, GÓP PHẦN BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 - 1980)

1. Tiểu khu Hoàng Hoa Thám sau ngày giải phóng miền Nam

Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện lịch sử vĩ đại ấy đã tạo ra mốc son lịch sử, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, thời kỳ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa khắc phục những hậu quả của cuộc chiến tranh, công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám lãnh đạo nhân dân bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Tháng 9 năm 1975, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24 (khóa III) đã đề ra nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, trong đó chỉ rõ: “Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ một nước bị chủ nghĩa thực dân mới chia cắt và đặt ách thống trị, sang cả nước độc lập, thống nhất, từ hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN sang một nhiệm vụ chiến lược là làm cách mạng XHCN”.

Trong thời gian 2 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 22 (khóa III), về khôi phục và phát triển kinh tế (1973 - 1975), Đảng bộ và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám vừa tiến hành hồi cư, khôi phục kinh tế - xã hội, tiếp tục cung cấp nhân tài, vật lực cho tiền tuyến lớn để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bằng sự nỗ lực, sự tin tưởng và lòng phấn khởi được sống trong khung cảnh hòa bình, “nền kinh tế địa phương được ổn định, tiếp tục có bước phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật dần được củng cố, các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của nhân dân được bảo đảm, hậu quả nặng nề do địch hoạ, thiên tai gây ra được khắc phục nhanh chóng”. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ là bước khởi đầu của công cuộc tái thiết đất nước, quê hương. Trước mắt, so với yêu cầu, nhiệm vụ phải nỗ lực vượt bậc hơn nữa, còn nhiều khó khăn chồng chất đang ở phía trước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương chủ yếu là việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II (1976 - 1980). Tháng 12 năm 1975, Đảng bộ Tiểu khu Hoàng Hoa Thám tiến hành Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1976 - 1977.

Đại hội đã khẳng định thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua, đề ra nhiệm vụ, phương hướng công tác cho nhiệm kỳ tới. Đó là: “Tập trung cao độ, nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả do địch hoạ, thiên tai gây ra, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch Nhà nước năm 1975, và các năm tiếp theo, đồng thời phải tích cực chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và các phương án, kế hoạch cụ thể về cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển kinh tế cho các năm 1976 - 1977, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II (1976 - 1980)(1).

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Vũ Hữu Duỵ được bầu làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Mỡn, được bầu làm Phó Bí thư - Trưởng ban hành chính Tiểu khu.

2. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II (1976 - 1980)

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tiểu khu lần thứ II, Ban Chấp hành Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tập trung triển khai, thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất, nỗ lực quyết tâm thực hiện có kết quả nhiệm vụ kế hoạch đề ra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đầu năm 1976, trên địa bàn Tiểu khu có nhiều HTX thủ công nghiệp nhỏ, lẻ, Đảng ủy, BHC tiểu khu đã đề ra các biện pháp tổ chức hợp nhất các HTX nhỏ thành các HTX có quy mô lớn. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ngành thủ công nghiệp Thị xã nói chung và thủ công nghiệp Tiểu khu nói riêng gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đó là: tư tưởng, tác phong của người sản xuất nhỏ còn nặng nề, vốn ít, công cụ sản xuất thiếu, lạc hậu, số lao động có tay nghề cao chưa có, số lao động mới tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu.

Được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã, với sự nỗ lực phấn đấu cao, phát huy tinh thần sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân và bằng các biện pháp lãnh đạo sâu sát, tổ chức hợp lý, chặt chẽ, coi trọng công tác bồi dưỡng tay nghề, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, giáo dục ý thức giữ gìn, bảo quản, tiết kiệm nguyên, vật liệu, đẩy mạnh công tác cải tiến kỹ thuật, phát động và hưởng ứng phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt HTX Thủy tinh Thống Nhất, HTX Thành Công, các HTX thủ công nghiệp trong tiểu khu Hoàng Hoa Thám thời gian này đã có nhiều chuyển biến tiến bộ đáng khích lệ; năng suất lao động, chất lượng hàng hóa và đời sống cán bộ, xã viên trong các HTX được nâng lên. Một số HTX đã trở thành điển hình như: HTX Thành Công, HTX Tiến Lập, HTX Thắng Lợi... Các HTX đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao, được Thị xã biểu dương, khen thưởng và HTX Thành Công tiếp tục là tấm gương sáng cho các HTX trong toàn tỉnh học tập.

Về Nông nghiệp: HTX nông nghiệp Công Nông, có diện tích canh tác là 35ha (trong đó diện tích cấy lúa là 31ha, còn lại 4ha trồng rau màu), có 115 xã viên với 110 hộ gia đình gồm 500 khẩu. Tính bình quân lao động của HTX có 304 m2 đất canh tác, mỗi hộ có 310 m2 (đây là mức quá thấp so với các nơi khác), HTX được chia thành 3 đội sản xuất (2 đội cấy lúa, 1 đội trồng rau.

Được sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Quản trị HTX, phong trào lao động sản xuất của HTX nông nghiệp Công Nông dấy lên mạnh mẽ, phát động xã viên học tập và làm theo HTX Định Công (Yên Định). Bằng sự nỗ lực, cần cù trong lao động sản xuất, HTX nông nghiệp Công Nông đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch đề ra, HTX đã đi vào nề nếp, ổn định hơn, tiến bộ hơn trước, đời sống xã viên ngày càng khá hơn so với các HTX nông nghiệp khác trong thị xã.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, quản lý, tổ chức điều hành của Đảng ủy, Ban hành chính và Ban Quản lý HTX và tinh thần phấn đấu lao động không mệt mỏi của xã viên, mà điều đáng chú trọng là việc định hướng sản xuất, biết tập trung vào cây rau màu, đặc biệt là cây gia vị, rau giống là những loại cây có giá trị kinh tế cao, có lãi suất lớn hơn và HTX có diện tích hạn hẹp.

Công tác xây dựng cơ bản: Ngoài việc tu sửa các ngõ xóm, đường phố, cống rãnh, mương, ngoài đồng phục vụ cho sinh hoạt và giao thông, Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo huy động số lượng lớn lao động của Tiểu khu tham gia các công trình thủy lợi lớn do tỉnh và thị xã khởi công xây dựng như các công trình thủy lợi như: Đông Thiệu - Thị (còn gọi là công trường Thống Nhất) hay công trình cống Quảng Châu; Chi giang 23; sông Lý; sông Hoàng; Tam Điệp; hồ chứa nước Núi Long của Thị xã... tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã tham gia đào đắp hàng vạn m3 đất, hoàn thành chỉ tiêu xuất sắc và được UBND tỉnh, UBND thị xã khen thưởng.

Tháng 10 năm 1977, Đảng bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 1977 - 1979. Đại hội đã tổng kết thành tích đạt được trên các mặt công tác, đề ra phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp công tác nhiệm kỳ tới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Vũ Hữu Duỵ được bầu làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Mỡn, Phó Bí thư - Trưởng ban Hành chính Tiểu khu.

Sau Đại hội, quán triệt tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, IX và Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ IX, X, Đảng bộ và nhân dân Tiểu khu đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, ổn định, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh việc chỉ đạo công tác phát triển sản xuất và thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II, Đảng ủy quan tâm chỉ đạo công tác phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương.

Về công tác giáo dục: thời gian này, Tiểu khu có trường: Cấp I, II Cù Chính Lan và cấp I, II Hoàng Hoa Thám. Các nhà trường đã phát động phong trào thi đua “hai tốt” và đạt kết quả khá. Chất lượng lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 90%. Năm 1978, thành lập các lớp mẫu giáo, chủ yếu là ở các HTX: Sao Đỏ, Thắng Lợi, Tiến Lập… ở các khu phố còn rất ít cháu đi học, chỉ có 3 lớp ở 3 phố: Vườn Hoa, Lai Thành và Lý Thường Kiệt. Trường cấp I, II Cù Chính Lan được phòng Giáo dục thị xã đánh giá là trường dạy và học có chất lượng cao, nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ, Đội lao động XHCN. Phong trào bổ túc văn hóa được củng cố, duy trì, phát triển tốt, học viên theo học là cán bộ, thanh niên, xã viên. Đây là cơ sở bồi dưỡng kiến thức văn hóa, tạo điều kiện để tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lao động sản xuất ở địa phương. Hàng năm Tiểu khu tổ chức 4 - 5 lớp với số học viên từ 100 - 150 người, các thầy giáo cấp II, cấp I thuộc các trường Tiểu khu tham gia giảng dạy.

Về công tác y tế: trong quá trình tổ chức, xây dựng, công tác y tế được Đảng ủy, Ban hành chính quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện tốt trong hoạt động. Trạm xá tiểu khu được xây dựng, có đội ngũ thầy thuốc tận tuỵ với công việc, đã khám, điều trị cho hàng ngàn lượt người dân. Trạm xá Tiểu khu là 1 trong 5 trạm xá của Thị xã được UBND tỉnh khen thưởng và là đơn vị điển hình của công tác y tế cơ sở. Phong trào vệ sinh, phòng bệnh được đẩy mạnh, đường làng, ngõ phố phong quang sạch sẽ, hàng năm không có dịch bệnh xẩy ra; phong trào thực hiện 3 công trình vệ sinh được thực hiện rộng khắp. Đến năm 1980, 80% số hộ có 3 công trình vệ sinh đúng quy cách; công tác trồng cây dược liệu được chú trọng, đã thực hiện Đông - Tây y kết hợp tốt và đã điều trị được nhiều bệnh thông thường cho nhân dân.

Việc xây dựng gia đình văn hóa được Tiểu khu phát triển mạnh thành phong trào thi đua sôi nổi trong các khối phố, xóm, thôn. Đảng ủy đã chỉ đạo các tổ chức khối phố, làng xóm phối hợp với các đoàn thể quần chúng đề ra các giải pháp tích cực thực hiện phong trào hàng quý, hàng năm có sơ kết, tổng kết theo tiêu chí đề ra, theo số liệu thống kê đến năm 1979, có 70% gia đình trong Tiểu khu đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Công tác chính sách xã hội được Đảng ủy tiểu khu quan tâm chỉ đạo. Từ năm 1975 - 1980, Tiểu khu có 700 quân nhân phục viên và xuất ngũ. Để anh em có công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống, Đảng ủy, Ban hành chính tiểu khu đã tạo điều kiện công việc cho anh em tham gia lao động sản xuất trong các HTX thủ công nghiệp, HTX nông nghiệp. Được sự quan tâm của Tiểu khu, anh chị em đều hăng hái, tích cực đóng góp công sức phát triển sản xuất. Các gia đình chính sách như gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng được Tiểu khu quan tâm và thường xuyên động viên thăm hỏi tặng quà trong các ngày lễ, tết.

Về công tác quốc phòng - an ninh:

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất, thị xã Thanh Hóa, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của cả tỉnh - nơi tập trung các cơ quan đầu não và cũng là nơi tập kết nhiều vật tư, tài sản của Nhà nước. Vì vậy, nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự của thị xã nói chung, Tiểu khu nói riêng có một vị trí hết sức quan trọng. Thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác quân sự địa phương, Nghị quyết số 02 ngày 12 tháng 4 năm 1976 của Thị ủy về nhiệm vụ công tác an ninh, Đảng ủy tiểu khu đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ về công tác quân sự, an ninh gắn với quy hoạch tiểu khu kết hợp chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững mạnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện tốt công tác này, Đảng ủy đã chỉ đạo Ban hành chính tiểu khu, các đoàn thể quần chúng và các khối phố, tổ nhân dân tổ chức cho nhân dân quán triệt, học tập tình hình nhiệm vụ mới, giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, đồng thời phát động quần chúng các khối phố tham gia tích cực vào các phong trào lao động sản xuất, bảo vệ an ninh, xây dựng nếp sống quân sự trong thanh niên, thiếu niên, học sinh. Nhờ có biện pháp sắc bén, sát với tình hình địa phương nên đã chặn đứng và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an ninh trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cuối năm 1978, đầu năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc diễn ra ác liệt. Trước nguy cơ nền độc lập dân tộc bị đe doạ nghiêm trọng, chấp hành Lệnh tổng động viên của Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhiều cán bộ, đảng viên và bộ đội phục viên của Tiểu khu lại tình nguyện trở lại quân ngũ cầm súng trực tiếp đánh quân thù.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống chiến tranh biên giới phía Bắc, khẩn trương xây dựng phòng tuyến phòng thủ vững chắc. Với vị trí là trung tâm của thị xã, là vùng trọng điểm quân sự của tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân Tiểu khu với tinh thần tự lực, tự cường đã động viên mọi lực lượng lao động, ngân sách của Tiểu khu, xây dựng hàng chục công sự chiến đấu trên các trục đường phố chính. Lực lượng vũ trang Tiểu khu được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đã tham gia lực lượng dân quân tập trung tại Trung đoàn bảo vệ thị xã. Từ khối phố đến Tiểu khu đã xây dựng được các phương án tác chiến và hợp đồng chiến đấu với mọi tình huống có thể xảy ra. Lực lượng hậu cần tại chỗ được chuẩn bị tích cực. Nền quốc phòng toàn dân bước đầu đã biết kết hợp kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng chính quyền, đoàn thể quần chúng, ngày 18 tháng 6 năm 1979, Đảng bộ tiểu khu Hoàng Hoa Thám đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ IV. Đại hội đã khẳng định thành tích đạt được của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nhiệm kỳ qua; nguyên nhân thành tích đạt được cũng như tồn tại cần phải khắc phục. Đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ tới mà trọng tâm là hoàn thành xuất sắc kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ II ở địa phương.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Vũ Hữu Duỵ được bầu tái cử làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Mỡn, được bầu làm Phó Bí thư - Trưởng ban Hành chính Tiểu khu.

Sau Đại hội, quán triệt, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng cấp trên, bằng các giải pháp sắc bén, sát với tình hình địa phương, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân đã tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất (tập trung thúc đẩy phong trào cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động trong các HTX tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trong HTX nông nghiệp Công Nông.

Vượt qua khó khăn về vốn, vật tư nguyên liệu, về thời tiết lụt, bão, dưới sự chỉ đạo tích cực của Đảng ủy, sự nỗ lực và có ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến năm 1980, về cơ bản nhân dân Tiểu khu đã hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, đời sống nhân dân tạm ổn định, trật tự an ninh được giữ vững.

Công tác xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng:

Năm 1976, Đảng bộ tập trung chỉ đạo cuộc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất và Hội đồng nhân dân tỉnh, thị xã. Với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, cuộc bầu cử tổ chức chu đáo đúng luật định; trên 90% cử tri Tiểu khu đi bầu cử. Ban hành chính tiểu khu do ông Nguyễn Hữu Mỡn làm Trưởng ban. Tiếp đó các đoàn thể các khối phố được củng cố tạo mọi điều kiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Vai trò của các tổ chức quần chúng được Đảng ủy đặc biệt chú trọng. Các đoàn thể quần chúng như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tập thể, Hội Phụ nữ phát động nhiều phong trào thi đua làm chủ tập thể, phong trào thanh niên tình nguyện xây dựng đất nước, phong trào người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào nông dân sản xuất giỏi tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Các phong trào trên đã thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia.

Về công tác xây dựng Đảng:

Đây là thời kỳ đầu thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”. Thực hiện Thông tri 72 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 83 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển hóa các cơ sở trung bình, yếu kém, đảng viên trung bình, yếu kém và đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, phát triển đảng viên mới. Đảng ủy tiểu khu đã chú trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, tiến hành chặt chẽ trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức và công tác kiểm tra.

Trước hết về tổ chức học tập chính trị, tư tưởng: Đảng ủy quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đảng viên được triển khai có nề nếp. Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, chỉ thị của tổ chức đảng các cấp được quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên. Việc tổ chức rút đúc kinh nghiệm các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong các phong trào thi đua đã được cấp ủy quan tâm, chỉ đạo sát sao và coi đó là khâu để nâng cao trình độ thiết thực cho cán bộ chủ chốt của phường.

Nhiều chủ trương công tác lớn trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được cấp ủy tổ chức học tập chu đáo và biến thành đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Công tác kiện toàn tổ chức đảng từ tổ đảng đến các chi bộ đã có sự quan tâm thường xuyên. Việc cải tiến lề lối làm việc và sinh hoạt của tổ đảng, Chi bộ được nâng cao.

Trong các cuộc vận động tự phê bình và phê bình của Đảng, các chi ủy đã gương mẫu tự kiểm điểm và kiên quyết làm rõ đúng, sai, xử lý nghiêm túc những đảng viên có sai lầm khuyết điểm.

Quán triệt Chỉ thị 83 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phát thẻ đảng viên, Đảng ủy tiến hành từng bước, lấy việc phát thẻ đảng làm cơ sở cho việc tự phê bình và phê bình trong Đảng, bồi dưỡng năng lực, quan điểm, lập trường và tư cách đảng viên trong thời kỳ mới. Đến cuối năm 1980, Đảng ủy Tiểu khu đã xét và cấp Thẻ đảng viên cho hơn 80% số đảng viên. Qua phân loại, trên 70% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, Đảng bộ Tiểu khu được Thị ủy xếp loại trong sạch vững mạnh.

Những đảng viên thoái hóa biến chất được xử lý nghiêm minh, kịp thời góp phần nâng cao hiệu lực lãnh đạo và công tác của Đảng trong quần chúng.

Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên được Đảng ủy quan tâm, qua 5 năm, Đảng bộ đã bồi dưỡng kết nạp được hàng chục đảng viên mới, phần lớn là đảng viên trẻ, có trình độ văn hóa, có kiến thức kinh tế, kỹ thuật, hoặc trải qua chiến đấu, lao động, để tăng cường sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở đảng.

Nhìn lại chặng đường 5 năm (1975 - 1980), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ phường, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiểu khu đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh là chặng đường mở đầu thời kỳ mới.

Trải qua 5 năm ấy, một lần nữa những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự lực, tự cường, dũng cảm, ý chí kiên định của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Tiểu khu tiếp tục được khẳng định và đã tỏ rõ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đảng bộ và nhân dân đã vượt qua những khó khăn thử thách để đưa phong trào của địa phương tiếp tục tiến lên.

Với những nỗ lực vươn lên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ II, Tiểu khu đã giành được những thành tích tương đối toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Với kết quả đạt được, Tiểu khu vinh dự được cấp trên khen thưởng:

- 6 năm liền đạt danh hiệu đơn vị “Quyết Thắng”.

- 6 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ tuyển quân.

- 5 năm liên tục đạt danh hiệu là đơn vị tiên tiến về công tác y tế của thị xã.

- Nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu về thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

- Năm 1977 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

- Đơn vị dẫn đầu thị xã về công tác gửi tiền tiết kiệm(1).

Đó là những phần thưởng cao quý cổ vũ Đảng bộ và nhân dân tiểu khu Hoàng Hoa Thám trên chặng đường tiếp nối.

Tuy nhiên, với thế mạnh và tiềm năng thì kết quả tăng trưởng kinh tế còn chậm, sản xuất còn bấp bênh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vật tư, nguyên liệu thiếu, hàng hóa làm ra chất lượng chưa cao, năng lực, trình độ cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế... thời kỳ này Đảng bộ đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong chặng đường đầu của công cuộc xây dựng, phát triển của địa phương.

II. THÀNH LẬP PHƯỜNG LAM SƠN, ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM LẦN THỨ III (1981 - 1985)

Sau cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới Tổ quốc, các thế lực thù địch lại tiếp tục dùng nhiều thủ đoạn để chống phá nước ta cả về quân sự và chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự nghiệp xây dựng CNXH lúc này của nhân dân ta đặt trong tình thế vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, vừa phải đương đầu với kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, đồng thời phải sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, các thế lực thù địch có thể gây ra.

Sự nghiệp xây dựng CNXH ở tiểu khu Hoàng Hoa Thám tuy có những cố gắng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên một bước trong điều kiện thời bình, nhưng chưa ổn định.

Xuất phát từ tình hình trên, bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ III, nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Tiểu khu phải nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước khi bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) đã ra các nghị quyết về phát triển nền kinh tế quốc dân, trong đó coi trọng cả 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể và người lao động.

Ngày 13 tháng 01 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong các ngành sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ở các HTX.

Những chỉ thị, nghị quyết trên đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống nhân dân, làm dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tháng 3 năm 1982, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới và khẳng định xây dựng nền sản xuất lớn XHCN là yêu cầu cấp bách.

Về phương hướng, mục tiêu chủ yếu kinh tế, xã hội trong kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ III, được chỉ rõ là: “... Phải khẩn trương làm tốt việc sắp xếp lại nền kinh tế theo hướng chỉnh đốn, cải tiến cơ cấu sản xuất, xây dựng, lao động, phân phối lưu thông và tiêu dùng, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cấp bách, hợp với khả năng thực tế trong những năm trước mắt, nhất là khả năng về lương thực, nguyên liệu, giao thông vận tải, đồng thời kịp với hướng tiến lên lâu dài, làm cho nền kinh tế phát triển ổn định, đúng hướng và đạt hiệu quả ngày càng cao”.

Nhằm vận dụng tinh thần mới trong các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đề ra mục tiêu phương hướng nhiệm vụ công tác cho năm tới, tháng 3 năm 1981, Đảng bộ Tiểu khu Hoàng Hoa Thám tổ chức Đại hội lần thứ V. Đại hội đã báo cáo kết quả đạt được trong các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội, những khó khăn tồn tại. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra phương hướng mục tiêu cho nhiệm kỳ tới mà trọng tâm thực hiện tinh thần chỉ thị của tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Vũ Hữu Duỵ được bầu làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Mỡn, được bầu làm Phó Bí thư - Trưởng ban Hành chính tiểu khu

Thi hành Quyết định số 511/TBTH ngày 3 tháng 7 năm 1981 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chia lại các tiểu khu, chuyển các tiểu khu của thị xã Thanh Hóa thành các phường và thống nhất tên gọi các phường, khu dân cư Lai Thành là phường Đông Sơn và phần còn lại của tiểu khu Hoàng Hoa Thám là phường Lam Sơn, với số dân là 12.113 khẩu.

Tình hình chung cả nước do hậu quả của thiên tai lũ lụt bão cuối năm 1980 và cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc gây ra và do cơ chế quan liêu bao cấp đè nặng, một khó khăn lớn cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp là thiếu trầm trọng nguyên liệu, than, điện.... Một thời điểm “Gạo châu, củi quế” tất cả đều đi vào chế độ tem phiếu, đời sống cán bộ, nhân dân ta cực kỳ khó khăn.

Bằng tinh thần đoàn kết, phát huy tự lực, tự cường, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong phường đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, quan tâm công tác văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhằm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ V (1981 - 1983).

Sau khi từ tiểu khu chuyển thành phường, được sự lãnh đạo của Thị ủy, UBND thị xã, ngày 22 tháng 11 năm 1981, Đảng ủy đã tổ chức chỉ đạo cuộc bầu cử HĐND phường Lam Sơn khóa I đạt kết quả cao, trên 90% cử tri tham gia bầu cử, đã bầu được 45 đại biểu HĐND phường. Ngày 10 tháng 12 năm 1981, tại kỳ họp thứ nhất, HĐND đã bầu UBND phường gồm 7 thành viên, do ông Nguyễn Hữu Mỡn làm Chủ tịch UBND và đồng thời làm luôn nhiệm vụ Chủ tịch HĐND phường.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết HĐND phường khóa I, toàn phường đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất trong ngành kinh tế chủ lực, đó là ngành tiểu thủ công nghiệp.

Về tiểu thủ công nghiệp: Là ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong những năm 1981 - 1983, đã vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Một số cơ sở sản xuất đã kịp thời chuyển hướng (áp dụng tinh thần Chỉ thị khoán 100), đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị kỹ thuật và tạo được bước đi vững chắc. Trong số HTX thủ công nghiệp của phường có tới 50% đơn vị có chuyển biến tốt trong sản xuất, nổi lên là HTX thủ công nghiệp Sao Đỏ, 3 năm liền là lá cờ đầu của ngành Tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh Thanh Hóa, được cử đoàn đại biểu đi dự và báo cáo thành tích, kinh nghiệm trong Hội nghị thi đua toàn quốc của ngành; HTX cũng đã 2 lần được tặng bằng khen và 1 lần được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đồng chí Nguyễn Thị Tiện, Bí thư Chi bộ HTX Sao Đỏ được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thành tích nổi bật của HTX Sao Đỏ là hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đề ra liên tục trong nhiều năm, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Mở rộng quan hệ với các cơ quan Nhà nước, với các ngành kinh tế quốc dân và với các HTX bạn để giải quyết khó khăn về các mặt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giải quyết hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể và người lao động. Đặc biệt là Chi bộ đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết trong Đảng và ngoài quần chúng.

Từ kinh nghiệm của HTX Sao Đỏ, Đảng ủy phường nhân ra các cơ sở sản xuất trong phường, tiếp tục đẩy mạnh kinh tế thủ công nghiệp và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

- Về nông nghiệp: sau khi khối Lai Thành tách ra thành lập phường Đông Sơn, diện tích canh tác HTX nông nghiệp Công Nông còn ít, Đảng ủy chỉ đạo xã viên HTX nông nghiệp Công Nông thực hiện Chỉ thị số 100, tập trung vào thâm canh lúa, thâm canh rau giống. Kết quả đạt khá, đời sống xã viên được nâng cao.

Để đánh giá công tác nhiệm kỳ qua, đề ra công tác nhiệm kỳ tới, tháng 7 năm 1983, Đảng bộ phường Lam Sơn đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VI (nhiệm kỳ 1983 - 1985).

Đại hội đã thông qua báo cáo kiểm điểm về thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ (1981 - 1983), đề ra phương hướng, mục tiêu cho nhiệm kỳ thứ VI (1983 - 1985) mà nội dung chủ yếu là vận dụng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ XII, để đề ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ III (1981 - 1985).

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Vũ Hữu Duỵ(1) được bầu tái cử làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Hữu Mỡn, được bầu tái cử Phó Bí thư - Chủ tịch UBND phường.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân lại tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Kết quả năm 1983 - 1984, phường Lam Sơn đã được UBND thị xã tặng Giấy khen đơn vị mẫu mực.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND phường và các phố, phối hợp với các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí sửa sang, nâng cấp hè, đường, cống rãnh các phố, tạo ra cảnh quan đẹp đẽ, tạo điều kiện cho sinh hoạt cộng đồng dân cư trong phường. Bằng sự nỗ lực và được sự giúp đỡ của UBND thị xã, giữa năm 1983, UBND phường khởi công xây dựng trụ sở làm việc với diện tích là 200 m2 tạo điều kiện tốt cho Đảng ủy, HĐND và UBND phường làm việc.

Ngày 6 tháng 5 năm 1984, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc phường tổ chức thành công cuộc bầu cử HĐND 3 cấp, trên 90% cử tri tham gia bầu cử. 41 vị đã trúng cử HĐND phường khóa II. Tại kỳ họp thứ I ngày 06 tháng 6 năm 1984, HĐND phường đã bầu UBND gồm 7 thành viên, ông Nguyễn Hữu Mỡn được bầu làm Chủ tịch UBND.

Về công tác văn hóa - xã hội:

Mặc dù kinh tế địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng ủy, UBND và nhân dân trong phường luôn quan tâm đến công tác giáo dục, tạo mọi điều kiện để xây dựng trường, lớp, mua sắm bàn ghế và trang thiết bị cho các trường học.

Trong những năm này, Trường cấp I, II Cù Chính Lan và trường cấp I, II Hoàng Hoa Thám có 40 lớp học gần 2.000 học sinh, các trường vẫn duy trì phong trào thi đua “Hai tốt”, chất lượng dạy và học ngày một nâng cao; tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh giỏi hàng năm đạt cao, được xếp vào tốp đầu của thị xã. Nhiều giáo viên của các trường đạt 2 yêu cầu “vừa là thầy, vừa là mẹ”.

Công tác y tế có nhiều tiến bộ rõ rệt. Ngoài việc khám, chữa bệnh, sơ cứu cho bệnh nhân, Trạm xá phường rất coi trọng đến công tác vệ sinh phòng dịch, vận động và hướng dẫn nhân dân làm nhà vệ sinh 2 ngăn đúng quy cách, hợp vệ sinh. Phường đã được UBND thị xã công nhận đơn vị “5 dứt điểm” trong công tác y tế và được Sở Y tế Thanh Hóa tặng thưởng một bộ dụng cụ y tế trị giá 100.000 đồng (thời kỳ này đây là phần thưởng rất lớn).

Việc xây dựng nếp sống mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn phường. Hằng năm, phường đã tổ chức sơ kết, tổng kết trong các phố, HTX, trường học, các đơn vị đề nghị cá nhân xuất sắc để biểu dương, khen thưởng. Đến năm 1985, toàn phường có 80% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Phát huy truyền thống và thành tích trong công tác thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tại địa phương 120 gia đình liệt sỹ, hàng trăm thương binh, 700 hưu trí, mất sức, hằng năm cán bộ chính sách và các tổ chức đảm bảo tiêu chuẩn, cấp phát đầy đủ, đúng kỳ hạn cho các đối tượng trên, các ngày lễ lớn, ngày tết, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đến tặng quà, thăm hỏi động viên, tạo ra không khi vui vẻ, đoàn kết trong khu dân cư. Công tác thương binh - xã hội của địa phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (Quyết định ngày 24-7-1984).

Đảng ủy chỉ đạo chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân mua công trái xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Kết quả qua các đợt vận động, toàn phường đã mua được 1.890.000 đồng; 1 tấn thóc; 4 chỉ vàng. Trong đó, có gia đình mua loại phiếu 50.000 đồng, loại phiếu 20.000 đồng, 4 chỉ vàng và nhiều gia đình mua loại phiếu 500 đồng và 100 đồng.

Phong trào gửi tiền tiết kiệm cũng được đẩy mạnh trong nhân dân. Qua các năm, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự hưởng ứng của nhân dân, phường Lam Sơn đã vượt mức chỉ tiêu gửi tiền tiết kiệm do thị xã giao. Kết quả, từ năm 1982 - 1983, phường đã có số dư gửi tiền tiết kiệm là 2.000.000 đồng, đến cuối năm 1984 lên tới 3.340.000 đồng, được xếp thứ 2 của thị xã.

Quốc phòng - an ninh:

Nhiệm vụ trọng tâm của công tác quốc phòng - an ninh của thời kỳ này là “Chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch”, gắn liền với chống tiêu cực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu xâm lược của địch. Trong nhiệm vụ này, Đảng ủy phường đã đề ra nghị quyết chuyên đề nhấn mạnh: phải thường xuyên giáo dục ý thức cảnh giác, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chăm lo xây dựng lực lượng quốc phòng - an ninh về mọi mặt, nắm chắc tình hình và các đối tượng có tiền án, tiền sự và bọn tội phạm xảy ra trong địa bàn.

 Chính vì vậy trật tự an ninh được giữ vững, an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.

Công tác quân sự địa phương thu được nhiều thành tích, việc gọi thanh niên lên đường nhập ngũ hàng năm đều hoàn thành kế hoạch trên giao. Đợt 1 năm 1982 chỉ tiêu giao nhập ngũ là 22 người, phường giao quân 32 người; năm 1984 chỉ tiêu giao 25 người, vượt mức 3 người. Phường đã được UBND thị xã biểu dương đơn vị hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân.

Về công tác xây dựng chính quyền, các đoàn thể quần chúng: được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, hoạt động của HĐND và UBND phường có nhiều tiến bộ và làm được nhiều việc đem lại hiệu quả cao. UBND phường tập trung chỉ đạo việc chấp hành 2 Pháp lệnh của Nhà nước về thuế công - thương nghiệp và quản lý thị trường, lập lại trật tự, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phục vụ tốt việc đảm bảo đời sống nhân dân.

Công tác xây dựng các đoàn thể quần chúng được Đảng ủy chú trọng: Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc phường thời kỳ này do ông Trịnh Minh Hiệp làm Chủ tịch. Các thành viên trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã động viên con cháu lên đường làm nghĩa vụ quân sự, động viên nhân dân các khu phố, các đoàn thể thành viên thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Duy trì và phát triển sâu rộng các phong trào như: xây dựng quỹ Bảo thọ; mua công trái xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu những quần chúng tiêu biểu ứng cử vào bộ máy chính quyền địa phương.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: thời kỳ này do anh Trần Văn Đô làm Bí thư Đoàn Phường. Được sự lãnh đạo của Đảng ủy, hoạt động của đoàn Thanh niên đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ luôn phát huy vai trò là cánh tay đắc lực của Đảng, tiên phong trên các công trình khai hoang, làm thủy lợi, phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút được nhiều đoàn viên tham gia.

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường vẫn phát huy truyền thống “Ba đảm đang” của thời chống Mỹ. Hội đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ I, Đại hội đã bầu chị Nguyễn Thị Thanh làm Chủ tịch. Các phong trào của Hội thời kỳ này tập trung chủ yếu vào các phong trào như: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Hội đã quan tâm chăm lo quyền lợi của hội viên và là thành viên trong Ban vận động nếp sống văn hóa mới. Hoạt động của Hội đã góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp nhau nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên. Phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ phường được Hội Phụ nữ thị xã biểu dương là đơn vị Khá.

Công tác xây dựng Đảng: Đảng bộ luôn quan tâm thường xuyên đến công tác xây dựng Đảng, chú trọng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng ủy thường xuyên quán triệt nội dung chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và tổ chức đảng các cấp, nghị quyết của Đảng bộ phường đến mọi cán bộ, đảng viên.

Năm 1981 - 1982, Đảng bộ phường đã mở cuộc vận động xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Tiếp đó, Đảng ủy đã thực hiện triển khai Chỉ thị 83 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát thẻ đảng viên, qua 3 đợt phát thẻ, trên 90% đảng viên trong Đảng bộ được nhận thẻ đảng.

Công tác tổ chức tập trung vào 3 mặt: chất lượng, đội ngũ đảng viên, xây dựng chi bộ và kiện toàn cấp ủy cơ sở. Đổi mới việc quy hoạch đào tạo cán bộ, công tác phát triển đảng viên được cấp ủy quan tâm.

Công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên, tập trung vào việc chấp hành Điều lệ Đảng, phát hiện những biểu hiện vi phạm Điều lệ của cán bộ, đảng viên. Từ đó, Đảng ủy có hướng giáo dục, khắc phục, sửa chữa để họ trở thành đảng viên tốt.

Qua quá trình nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ phường Lam Sơn được Thị ủy Thị xã xếp loại Đảng bộ đạt danh hiệu vững mạnh.

Những kết quả đạt được đã tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, để các tầng lớp nhân dân địa phương bước vào chặng đường mới - chặng đường gần 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước quê hương do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

III. QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI, VII (1986 - 1995)

1. Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 1990)

Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ III (1981 - 1985) đã được thực hiện trên địa bàn phường với tinh thần khẩn trương và hành động tích cực. Thành công của quá trình thực hiện kế hoạch là sự vận dụng đúng đắn đường lối cách mạng của Đảng với ý chí tự lực, tự cường đã đem lại cho phường một số đổi thay trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Tuy vậy, tồn tại lớn nhất vẫn là hiệu quả kinh tế không cao, chưa thoát khỏi khủng hoảng. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường đề ra vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn của nhân dân.

Tình hình ấy có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài. Mặt khác, phường chưa tận dụng vào khai thác các nguồn lực, vật lực tại chỗ và bên ngoài cho sản xuất.

Năm 1986, trước khi bước vào đổi mới, Đảng bộ và UBND phường quản lý 6 khối dân phố, gồm 54 tổ nhân dân; có 11 HTX (trong đó có 1 HTX nông nghiệp, 5 HTX tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX dịch vụ, xây dựng và 1 HTX mua bán). Trước tình hình khó khăn của đất nước và yêu cầu khách quan, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra quyết tâm đổi mới, trong đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa V) đã khẳng định: “Phải dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN thì mới đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.

Tháng 01 năm 1986, Thị ủy thị xã Thanh Hóa ra Nghị quyết số 04/NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể. Nghị quyết chỉ rõ phương hướng cơ bản là “Từ lương thực xuất khẩu và sản xuất hàng hóa đa dạng mà đi lên”.

Nghị quyết này đã được Đảng bộ phường Lam Sơn quán triệt sâu sắc và kịp thời vận dụng để lãnh đạo, chỉ đạo sự chuyển hướng cơ cấu kinh tế phường nhà trong thời kỳ đổi mới.

Từ nền kinh tế theo cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, ngay từ đầu đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên, quần chúng chưa nhận thức hết vấn đề đổi mới. Có nơi, có lúc, nhiều người còn băn khoăn lo lắng về hướng đi mới của nền kinh tế mở, mặt khác lại chưa có điều kiện chuẩn bị trước về đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu đổi mới, đặc biệt thời điểm này đội ngũ cán bộ có sự biến động nhiều. Vì thế, việc quán triệt đường lối quan điểm đổi mới của Đảng về tư duy kinh tế mới lúc này là một yêu cầu cấp thiết, phải tập trung đồng bộ và sâu rộng để giáo dục, nâng cao nhận thức tư tưởng đổi mới cho cán bộ, đảng viên, quần chúng. Chủ trương đó đã được tiến hành thông qua các cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân.

Việc tổ chức học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Thị ủy được triển khai mạnh mẽ từ các chi bộ đến các tổ chức đoàn thể quần chúng. Điều thuận lợi là bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới, phong trào khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong các HTX của phường được thực hiện có kết quả, đã tác động tích cực đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân. Vì thế, những khó khăn vướng mắc trong tư tưởng một số cán bộ, đảng viên, quần chúng dần dần được giải quyết. Niềm tin vào chủ trương đổi mới của Đảng được dần dần khơi dậy.

Tháng 8 năm 1986, Đại hội Đảng bộ phường Lam Sơn lần thứ VII (nhiệm kỳ 1986 - 1988) được tổ chức. Đại hội đã khẳng định thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua, đề ra mục tiêu phương hướng cho nhiệm kỳ tới: “Tập trung vào việc quán triệt, học tập nội dung đổi mới của Đảng, vận dụng chủ trương đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy kinh tế theo hướng kinh tế thị trường có sự quản lý, điều hành của Nhà nước kiên quyết sắp xếp lại lao động, tích cực nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển mạnh mẽ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, giải quyết đủ việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân...”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 13 đồng chí. Trong phiên họp Ban Chấp hành lần thứ nhất bầu 5 đồng chí vào Ban Thường vụ, Đồng chí Nguyễn Trọng Ban được bầu làm Bí thư; đồng chí Đỗ Trọng Thư được bầu làm Phó Bí thư phụ trách chính quyền.

Có thể nói, Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ phường đánh dấu sự đổi mới, nhất là bước đầu đổi mới tư duy kinh tế. Nhờ có sự đổi mới về tư duy kinh tế, năm 1986 các chỉ tiêu kinh tế đã đạt kết quả khá khích lệ, 5 HTX đều đạt được so với kế hoạch được giao. Kết quả là: HTX Quyết Tiến: 107%; HTX Tiến Lập: 93%; HTX Thắng Lợi: 108%; HTX Sao Đỏ: 136%; HTX Liên Ngành: 105%. HTX Sao Đỏ liên tục là đơn vị dẫn đầu của ngành tiểu thủ công nghiệp thị xã. Năm 1986 được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Về kinh tế nông nghiệp: với diện tích canh tác là 22 ha, trong đó có 6 ha trồng rau, là một trong những HTX vành đai rau của thị xã, với sự nỗ lực và điều hành quản lý của chính quyền, phát huy tinh thần theo Chỉ thị 100, năng xuất lúa của HTX nông nghiệp Công Nông đã tăng từ 5 tấn/ha lên 8 tấn/ha/năm; năng suất rau quả đạt sản lượng cao, chất lượng tốt, hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, đời sống xã viên được nâng cao.

Về công tác lưu thông phân phối, năm 1986 đạt kết quả khá, HTX mua bán phường đã có nhiều cố gắng tạo nguồn hàng để kinh doanh và bảo đảm hàng đúng tiêu chuẩn, định lượng của mậu dịch quốc doanh phục vụ nhân dân trong phường. Kết quả, năm 1986, tổng mua vào đạt 10.715.563 đồng; bán ra đạt 10.813.524 đồng; hàng đại lý: 544.494 đồng; tự kinh doanh đạt 10.272.030 đồng. Đến năm 1988, tổng mua vào đạt 49.533.023 đồng, bán ra đạt 45.347.542 đồng; hàng đại lý 4.752.052 đồng; tự kinh doanh: 40.595.490 đồng.

Thương nghiệp, tài chính, ngân sách: đã tập trung sắp xếp quản lý các hộ kinh doanh, bảo đảm đủ chỉ tiêu nạp thuế cho Nhà nước và xây dựng ngân sách địa phương. Năm 1988, tổng thu ngân sách đạt 15.000.000 đồng.

- Phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được quan tâm thúc đẩy mạnh, năm 1986, toàn phường thành lập được các tổ sản xuất: thủy tinh, thợ mộc, đúc, sơn quét vôi, hàng nan gần 400 hộ đăng ký kinh doanh.

Nhìn chung, kết thúc kế hoạch năm 1986, kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc “Chính sách kinh tế mở” được bước đầu áp dụng và thu được kết quả khá. Đời sống nhân dân từng bước được ổn định.

Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế quốc dân, nhằm đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, quá độ đi lên CNXH.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chỉ rõ: “... Vấn đề lớn nhất hiện nay là sắp xếp, bố trí lại cơ cấu và bước đi của nền kinh tế phù hợp với phương hướng, mục tiêu của những năm trước mắt, phù hợp với khả năng thực tế của nước ta...” và “Trong những năm tới, chúng ta ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu... sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, nhằm khai thác mọi khả năng phát triển sản xuất”.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 5 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10/NQ-TW về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp nêu chủ trương giao đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, tăng cường cơ chế làm chủ của từng hộ sản xuất và các thành phần kinh tế, có sự quản lý của Nhà nước.

Có thể nói, những nghị quyết, chỉ thị trên của Đảng đã từng bước đổi mới nền kinh tế của đất nước.

Phấn khởi trước thành tích đạt được trong năm 1986, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ VII và được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng soi sáng, được sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy, Đảng bộ phường Lam Sơn tích cực vận dụng đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1986 - 1990) một cách chủ động, sáng tạo mà trước mắt là thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra.

Trước tiên là thực hiện chương trình lương thực, thực phẩm. Để phát triển, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận dụng chỉ thị của Tỉnh ủy, Thị ủy đầu năm 1988, Đảng ủy đã tập trung củng cố HTX nông nghiệp Công Nông, các phương thức khoán quản được áp dụng triệt để đến từng hộ gia đình xã viên theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp theo là việc thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về giao đất lâu dài cho hộ nông dân một cách khẩn trương, nghiêm túc. Trên cơ sở đó, HTX đã đẩy mạnh phong trào thâm canh tăng năng xuất lúa, rau màu.

Bên cạnh việc thâm canh lúa, cây rau màu, HTX nông nghiệp Công Nông tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm. Ngoài HTX nông nghiệp Công Nông ra, Đảng ủy phát động các hộ gia đình trong toàn phường tìm mọi điều kiện khả năng phát triển chăn nuôi lợn “Nhà nước nuôi lợn tăng sản”. Các khâu được tổ chức xây dựng như chuồng trại, con giống, thức ăn, ngoài chăn nuôi lợn, nhiều hộ đã chăn nuôi gia cầm, cá nước ngọt...

Bằng những chủ trương và biện pháp tích cực, vấn đề giải quyết về lương thực, thực phẩm đã thu được kết quả khá tốt. Theo số liệu thống kê của phường: HTX nông nghiệp Công Nông trong 2 năm 1987 - 1988 đã thu được kết quả như sau:

Năm 1987: tổng sản lượng lương thực đạt 144,4 tấn; năm 1988 đạt 106,4 tấn; năng suất lúa năm 1987 đạt 7,6 tấn; năm 1988 đạt 5,6 tấn. Sản lượng rau năm 1987 đạt 450 tấn, năm 1988 đạt 400 tấn. Mức huy động lương thực cho Nhà nước năm 1987 đạt 24 tấn; năm 1988 đạt 21 tấn. Mức ăn bình quân khẩu trong HTX năm 1988 đạt 12 kg/tháng.

Về chỉ đạo phát triển hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, Đảng ủy xác định sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu là công tác trọng tâm và đây là thế mạnh của địa phương. Vì vậy, ngay từ khi bước vào thực hiện đổi mới, Đảng ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp tổ chức, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp trong các HTX thủ công nghiệp trên địa bàn phường. Kết quả, thực hiện kế hoạch của 5 HTX trong 2 năm 1987 - 1988 cụ thể là: HTX Quyết Tiến năm 1987 đạt 100%, năm 1988 đạt 47%; HTX Tiến Lập năm 1987 đạt 117%, năm 1988 đạt 131%; HTX Thắng Lợi năm 1987 đạt 116%, năm 1988 đạt 75%; HTX Sao Đỏ năm 1987 đạt 105%, năm 1988 đạt 105%; HTX Liên ngành năm 1987 đạt 124%, năm 1988 đạt 112%. Các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng như mây tre đan, thảm cói, sơn mài, cơ khí... với số lượng nhiều, mẫu mã, chất lượng cao, đã đem lại nguồn thu lớn cho HTX và địa phương.

Nhằm đánh giá kết quả nhiệm kỳ 1986 - 1988, đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ 1989 - 1991 Đảng bộ phường Lam Sơn đã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII. Đại hội đã khẳng định những thành tích đạt được, đồng thời chỉ ra tồn tại, khó khăn thách thức lớn cả về chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế “mở”. Trong thời gian này tình hình thế giới có những chuyển biến không có lợi cho nước ta nói chung và phường Lam Sơn nói riêng đó là các nước XHCN Đông Âu sụp đổ - mất một thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là năm 1991, Liên Xô - Nhà nước XHCN đầu tiên bị tan rã làm cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động. Đứng trước tình đó, Đại hội Đảng bộ phường đã bàn các giải pháp ổn định về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên quán triệt và tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, tin tưởng vào Đảng và con đường đi lên CNXH mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Đoàn kết, tự lực, tự cường đẩy mạnh công cuộc đổi mới tiến lên. Mà nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là xây dựng, phát triển kinh tế nhiều thành phần (chủ yếu là kinh tế hộ, theo hướng dịch vụ, thương mại, tổ hợp sản xuất), quyết tâm hoàn thành 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng, hoàn thành kế hoạch 5 năm (1986 - 1990), ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, tìm giải pháp tháo gỡ ách tắc trong cơ chế quản lý sản xuất ở các HTX thủ công nghiệp của phường trong thời kỳ đầy thử thách và biến động này.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trọng Ban được bầu tái cử làm Bí thư; đồng chí Đỗ Trọng Thư, Chủ tịch UBND phường được bầu làm Phó Bí thư.

Sau Đại hội, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ VIII, được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã, cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Lam Sơn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất.

Bên cạnh thành tích đạt được trong kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Đảng ủy đã quan tâm chú trọng đến công tác phân phối lưu thông. Theo số liệu thống kê của UBND phường năm 1987, tổng thu mua vào đạt 27.997.931 đồng, năm 1988 đạt 49.533.023 đồng. Bán ra, năm 1987 đạt 27.003.590 đồng, năm 1988 đạt 45.437.342 đồng. Hàng đại lý, năm 1987 đạt 544,494 đồng, năm 1988 đạt 4.752.052 đồng. Tự doanh, năm 1987 đạt 22.811.519 đồng, năm 1988 đạt 40.595.490 đồng.

Về thương nghiệp, tài chính, ngân sách: Đảng ủy chỉ đạo UBND tập trung sắp xếp quản lý các hộ kinh doanh, bảo đảm hằng năm nạp đủ chỉ tiêu thuế cho Nhà nước và xây dựng ngân sách địa phương. Kết quả năm 1988 đạt, tổng thu được 15 triệu đồng; chi năm 1988 là 13 triệu đồng.

Đối với kinh tế gia đình phát triển tương đối nhanh: năm 1987 cấp phát đăng ký kinh doanh cho 406 hộ, đến năm 1988 tăng lên 467 hộ, nhân dân đã sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng với các chủng loại đa dạng như: cơ khí, gò hàn, mộc xẻ, mực viết, bánh kẹo, hàng may mặc... Ngoài ra, phường đã tổ chức thành lập 7 tổ hợp sản xuất như thủy tinh, mộc xẻ, đúc, sơn, quét vôi... các tổ hợp này được quản lý chặt chẽ và hàng năm đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền cũng rất quan tâm đến công tác văn hóa - xã hội.

Về công tác giáo dục: thời gian này Phường có 3 trường: Cù Chính Lan, Hoàng Hoa Thám và Mẫu giáo. Trước tình hình các trường cơ sở vật chất thiếu, xuống cấp, Đảng ủy, UBND phường đã chi ngân sách và vận động nhân dân hằng năm tu sửa trường lớp, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Năm 1988 đã đầu tư cho các trường là 4.950.000 đồng, chi cho xây dựng, tu bổ lớp học là 6.000.000 đồng.

Cả 3 trường vẫn duy trì tốt chất lượng dạy và học. Trong quá trình thi đua “hai tốt”, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đã đạt danh hiệu Trường tiên tiến cấp tỉnh; Trường Cù Chính Lan đạt đơn vị khá và Trường Mầm non Lam Sơn đạt đơn vị tiên tiến cấp thị xã.

Công tác thông tin tuyên truyền có nhiều cố gắng, đã khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đã tập trung tuyên truyền đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nêu gương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, tuyên truyền các cuộc bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND 3 cấp và các ngày lễ lớn trong các năm 1989, 1990. Tham gia dự thi văn nghệ do thị xã tổ chức và đạt giải A của toàn thị xã. Ngoài ra, Đảng ủy đã chỉ đạo các trường học, Chi đoàn Thanh niên tổ chức trại hè vui chơi cho các cháu thiếu niên nhi đồng đạt hiệu quả cao, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong thanh thiếu niên.

Công tác y tế: Đảng ủy chỉ đạo Trạm Y tế phường thường xuyên chăm lo, củng cố mạng lưới vệ sinh ở cơ sở, thực hiện đầy đủ công tác tiêm chủng mở rộng, coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác sinh đẻ có kế hoạch được vận động, tổ chức học tập cho chị em một cách thường xuyên, tỷ lệ đặt vòng tránh thai của chị em ngày càng cao, tỷ lệ phát triển dân số phường Lam Sơn đạt tỷ lệ ở mức 1,23%, phường tiếp tục là đơn vị dẫn đầu của phong trào “5 dứt điểm” về công tác y tế của thị xã.

Công tác quốc phòng - an ninh:

Phường đã hoàn thành chương trình huấn luyện dân quân tự vệ với số lượng tham gia 100%, chất lượng đạt loại khá. Tham gia diễn tập cùng các lực lượng dự bị động viên của thị xã. Đã thành lập được Hội đồng quân nhân của phường.

Công tác gọi thanh niên lên đường nhập ngũ hằng năm đều hoàn thành tốt. Từ năm 1986 - 1990, phường đội liên tục đạt đơn vị Quyết Thắng.

Công tác an ninh: Đảng ủy, UBND và các đoàn thể tổ chức chỉ đạo xây dựng các Ban bảo vệ khối phố, tổ an ninh nhân dân, thành lập Ban an toàn giao thông. Lấy Tổ an ninh nhân dân làm cơ sở để phát động quần chúng tham gia công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống chiến tranh tâm lý của kẻ địch. Trong quá trình hoạt động, Công an phường phối hợp với tổ an ninh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về văn hóa phẩm cấm lưu hành, về mê tín dị đoan. Công tác đăng ký hộ tịch, hộ khẩu được quản lý chặt chẽ ở từng phố, từng cơ quan, xí nghiệp, HTX trong phường.

Việc quản lý đối tượng tội phạm trên địa bàn phường khá chặt chẽ, các đối tượng vi phạm đã được giáo dục, cảm hóa, nên nhiều người đã tiến bộ và trở lại làm ăn lương thiện.

Từ năm 1986 - 1990, Công an phường Lam Sơn liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết Thắng.

Hoạt động của chính quyền và các đoàn thể quần chúng:

Về chính quyền: trong thời gian này, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND và Mặt trận Tổ quốc tổ chức 2 cuộc bầu cử HĐND phường. Tháng 7 năm 1987, cử tri trong phường đã tiến hành cuộc bầu cử HĐND phường khóa III, nhiệm kỳ 1987 - 1989. Kết quả có 98% cử tri đã tham gia bầu cử; 41 vị đã trúng cử HĐND phường. Trong phiên họp đầu tiên HĐND phường đã bầu ủy viên UBND phường gồm 7 thành viên do ông Đỗ Trọng Thư làm Chủ tịch.

Tiếp đến ngày 19 tháng 11 năm 1989, cử tri trong phường đã tham gia cuộc bầu cử HĐND 3 cấp. Kết quả, 99% cử tri trong phường đã đi bỏ phiếu bầu cử; 41 vị đã trúng cử đại biểu HĐND phường khóa IV. Tại kỳ họp thứ I (ngày 19 tháng 12 năm 1989) HĐND phường đã bầu ông Đỗ Trọng Thư làm Chủ tịch UBND phường.

Trong các kỳ họp HĐND đã quyết nghị về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt chú trọng công tác phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hoạt động của HĐND phường đảm bảo đúng luật và có hiệu quả cao.

HĐND, UBND phường đã làm tốt việc thực thi pháp luật, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường đề ra, tổ chức điều hành, quản lý tốt các chính sách của Nhà nước ở địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động các đoàn thể quần chúng:

Đảng ủy đã quan tâm chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn các tổ chức Mặt trận, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các tổ chức đã hưởng ứng phong trào thi đua của Hội mình, tích cực đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của phường.

Trong quá trình vận động Hội phụ lão đã thu hút được nhiều hội viên tham gia sinh hoạt. đã xây dựng được 12 tổ phụ lão với 347 cụ tham gia, thành lập Câu lạc bộ “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

Đoàn Thanh niên đã tập hợp thu hút được lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt, kết hợp với Công an phường mở nhiều lớp học về giáo dục, vận động thanh niên xây dựng nếp sống mới, đã có 325 thanh niên tham gia học tập.

Hội Phụ nữ phường đã tổ chức tổng kết phong trào 10 năm “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Kết quả có 179 hội viên đạt 4 yêu cầu trong 10 năm liên tục.

Các tổ chức quần chúng tiến hành Đại hội nhiệm kỳ, kiện toàn, củng cố Ban Chấp hành và bầu Chủ tịch, Bí thư. Cuối năm 1990, thành lập Hội Cựu chiến binh Phường, Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Lê Quang Lục làm Chủ tịch.

Công tác xây dựng Đảng:

Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác tư tưởng, chính trị trong Đảng được Đảng bộ hết sức quan tâm, coi đó là tiền đề của đổi mới. Các chủ trương, đường lối của Đảng đã được Đảng bộ phường tổ chức học tập, quán triệt một cách nghiêm túc, toàn diện. Ban Chấp hành Đảng bộ chủ trương khắc phục nhanh chóng tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại, bảo thủ trong khi bắt tay vào thực hiện đổi mới, tăng cường bồi dưỡng giáo dục, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế.

Trong thời gian này, thực hiện chỉ thị của Thị ủy thị xã về “Cuộc vận động xây dựng Đảng”, Đảng bộ phường Lam Sơn đã tổ chức, quán triệt, thực hiện cuộc vận động này một cách nghiêm túc. Tổ chức các Hội nghị với nội dung phê bình và tự phê bình trong các chi bộ, Đảng bộ với tinh thần thẳng thắn, xây dựng đoàn kết. Qua phê bình và tự phê bình để có kế hoạch, biện pháp xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, quần chúng cũng tin tưởng gắn bó với Đảng hơn.

Qua phân loại tổ chức đảng và đảng viên, kết quả cụ thể một số năm như sau:

Năm 1986, tổng số đảng viên của Đảng bộ là 186 đồng chí trong đó: 65 đồng chí được xếp loại 1A (đủ tư cách xuất sắc); 117 đồng chí được xếp loại 1B (đủ tư cách); 5 đồng chí được xếp loại 2 (già yếu được miễn sinh hoạt); 1 đồng chí xếp loại 3 (kỷ luật cảnh cáo); 1 đồng chí xếp loại 4 (khai trừ khỏi Đảng).

Năm 1987, tổng số đảng viên là 203 đồng chí, trong đó: 85 đồng chí loại 1; 97 đồng chí loại 1B; 18 đồng chí loại 2; 2 đồng chí loại 3 (cảnh cáo); 1 đồng chí loại 4 (khai trừ).

Năm 1988: tổng số đảng viên là 203, trong đó: Loại 1A là 90 đồng chí; Loại 1B là 110 đồng chí; Loại 2 là 3 đồng chí (không còn loại 3 và loại 4).

- Chi bộ khối phố gồm 6 chi bộ với 151 đảng viên: trong đó 3 Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 3 chi bộ đạt loại khá.

- Chi bộ khối HTX có 6 Chi bộ gồm 31 đảng viên: trong đó có 4 Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 2 Chi bộ đạt khá.

- Khối cơ quan có 3 chi bộ gồm 21 đảng viên, cả 3 chi bộ trong sạch vững mạnh.

Đảng bộ phường Lam Sơn năm 1988 được Thị ủy xếp loại là Đảng bộ khá.

Nhìn lại những năm đầu thực hiện đường lối của Đảng (1986 - 1990), dưới ánh sáng của Nghị quyết của Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của Thị ủy, Đảng bộ phường Lam Sơn đã vận dụng đường lối của Đảng vào địa phương một cách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, qua thực tiễn phong trào thi đua lao động sản xuất, các tiềm năng lợi thế và sức lao động dồi dào của nhân dân được khơi dậy. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Những thành tích đạt được là tiền đề để Đảng bộ và nhân dân phường Lam Sơn bước tiếp những giai đoạn mới - giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

2. Tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới phát triển đồng bộ, toàn diện (1991 - 1995)

Tháng 6 năm 1991, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII đã khẳng định: “… Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, với bước đi vững chắc, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới các lĩnh vực khác, nhất là về dân chủ hóa xã hội”

Trên cơ sở thành tích đạt được và những tồn tại trong 5 năm đổi mới bước đầu (1986 - 1990), tiếp thu, vận dụng Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, Nghị quyết Đại hội VIII, của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Thị xã. Đầu tháng 7 năm 1991, Đại hội Đảng bộ phường lần thứ IX, (nhiệm kỳ 1991 - 1994) được tổ chức: Đại hội đã đánh giá thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 1989 - 1991, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới. Báo cáo Đại hội Đảng bộ chỉ rõ: “Tiếp tục tập trung sức lực, đoàn kết đưa sự nghiệp đổi mới quê hương toàn diện, đồng bộ, vào chiều sâu, mà trọng tâm đẩy mạnh sản xuất, động viên các gia đình có vốn, có tay nghề mở xưởng sản xuất với quy mô nhỏ, phù hợp với khả năng của mình, coi trọng ngành nghề cơ khí, gò, hàn, gỗ dân dụng, may mặc… và các nghề Mỹ thuật truyền thống. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để các tổ hợp, doanh nghiệp tư nhân phát huy khả năng sản xuất, thu hút lực lượng lao động. Đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ, thương nghiệp, tổ chức tốt, sắp xếp, ổn định mặt hàng kinh doanh, từng bước hình thành các phố hàng, ngành hàng, kinh doanh theo hướng cửa hàng, cửa hiệu, có kế hoạch bảo đảm trật tự kinh doanh…”. Nghị quyết Đại hội đề ra các biện pháp để đưa sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang sản xuất hàng hóa… Các hoạt động văn hóa, xã hội; quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Trọng Ban được bầu tái cử làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Đỗ Trọng Thư, Chủ tịch UBND phường được bầu làm Phó Bí thư.

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ IX, Đảng bộ và nhân dân trong phường đã nỗ lực phấn đấu và đạt được thành tích trên các mặt kinh tế - xã hội:

Về kinh tế: Ngành tiểu thủ công nghiệp, đến năm 1993, toàn phường đã có 35 hộ gia đình, 8 tổ hợp, 4 công ty TNHH thu hút được nhiều người lao động vào sản xuất.

Phát huy thế mạnh kinh doanh thương nghiệp của địa phương, năm 1991 có 517 hộ, đến năm 1993 tăng lên gần 600 hộ.

Về sản xuất nông nghiệp: diện tích đã ít và ngày càng bị thu hẹp (do Nhà nước thu hồi để xây dựng cơ sở hạ tầng; Đảng ủy đã chỉ đạo HTX nông nghiệp Công Nông phát triển sản suất, thâm canh cây rau, mầu (rau giống). Từ đó, năng xuất rau giống đạt chất lượng cao, thu nhập khá đã nâng cao đời sống của xã viên. Hằng năm HTX đều hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh trên giao.

Về tài chính - ngân sách: từ năm 1991 - 1993 phường đã thu theo chỉ tiêu kế hoạch năm 1991, 1992 đạt 90% năm 1993 thu đạt 100%

Công tác quản lý đất đai được chỉ đạo chặt chẽ, đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đúng luật, hạn chế được sai sót.

Đối với việc phát triển sản xuất, thực hiện cơ chế “bung ra” của các loại hình sản xuất mới. Thời gian đầu thập kỷ 90, đời sống của nhân dân địa phương gặp không ít khó khăn, do ảnh hưởng và diễn biến phức tạp của tình hình chính trị các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô cũ, ngành thủ công nghiệp địa phương mất đi thị trường tiêu thụ rộng lớn, gây khó khăn cho việc phát triển sản xuất của địa phương.

Mặt khác sự hình thành các thành phần kinh tế, chủ yếu là kinh tế hộ cá thể đã trở thành loại hình kinh tế mũi nhọn của phường. Trong khi đó, trước cơ chế mới, các HTX tiểu thủ công nghiệp hoạt động rất lúng túng, mất thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa chất lượng không đảm bảo, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, ứ đọng, tồn kho làm ăn thua lỗ, đời sống xã viên không đảm bảo, chán nản bỏ HTX đi làm riêng. Trước tình hình ấy, Đảng ủy chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 99 và tiếp đó cuối năm 1991, thực hiện Quy định số 306 của UBND thị xã đối với các HTX tiểu thủ công nghiệp, chỉ đạo các HTX thủ công nghiệp tháo gỡ khó khăn ách tắc, từng bước củng cố các HTX. Nhưng về sau, nhiều HTX không đứng vững và giải thể, nhường chỗ cho kinh tế hộ gia đình phát triển.

Nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đồng bộ, toàn diện, vận dụng Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII và của Đảng bộ thị xã Thanh Hóa, đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác cho nhiệm kỳ tới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm (1991 - 1995).

Tháng 8 năm 1994, phường Lam Sơn đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ X (nhiệm kỳ 1994 - 1996)

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trần Kim Đính được bầu làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Đỗ Trọng Thư được bầu tái cử làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ phường, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, đưa nền kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả, đời sống nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao. Đến năm 1995, về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, bộ mặt phố, phường thay đổi toàn diện.

Lĩnh vực văn hóa xã hội:

Về công tác giáo dục: Trong thời kỳ 1991 - 1995, UBND phường huy động vốn của địa phương đã xây dựng được 6 phòng học cao tầng cho Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, xây 8 phòng học cho Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan với giá trị của 2 công trình trên là 800 triệu đồng. Xây dựng trường Mẫu giáo ở khu chính gồm 6 lớp và 3 lớp ở 2 phố: Cao Thắng, Lý Thường Kiệt, sáp nhập các nhà trẻ trong phường thành trường Mầm non Lam Sơn. Nhìn chung, các trường trong phường vẫn duy trì phong trào thi đua “hai tốt”, chất lượng giáo dục hàng năm đều tăng, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm học 1994 - 1995 đạt 60%. Chất lượng lên lớp và tổng kết, tốt nghiệp các năm đạt trên 90%. Năm học 1991 - 1992, phòng Giáo dục Thị xã quyết định giao cho Trường cấp I Hoàng Hoa Thám nhiệm vụ dạy lớp chuyên toán, chuyên văn. Nhà trường đã nhanh chóng đổi mới dạy và học cho các lớp. Kết quả hằng năm đều có học sinh đạt giải quốc gia và học sinh đạt giải tỉnh. Phường đã cơ bản hoàn thành phổ cập tiểu học và xóa mù chữ ở địa phương.

Công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, đảng viên, nhân dân đoàn kết xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh. Phường đã tổ chức lễ đón Quyết định công nhận di tích lịch sử đền Tống Duy Tân.

Công tác y tế: Đảng ủy phường đã chú trọng củng cố, bổ xung đội ngũ cán bộ y tế, chỉ đạo cấp mới các thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Công tác kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, hoạt động tích cực. Tỷ lệ tăng dân số ngày một giảm: từ 1,4% năm 1991, đến năm 1995 xuống còn 1,32%.

Công tác chính sách - xã hội được cấp ủy, chính quyền quan tâm và thực hiện chu đáo. Đến năm 1995, toàn phường có 1.673 cán bộ hưu trí, mất sức, 77 gia đình liệt sỹ, 89 thương, bệnh binh (với số lượng tương đối đông, UBND phường đã nỗ lực cố gắng quan tâm bảo đảm mọi chế độ, chính sách, cho các đối tượng một cách chu đáo, kịp thời…).

Về công tác quốc phòng - an ninh: Đảng ủy quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác này, do vậy tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phường ổn định và giữ vững, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động của tổ an ninh nhân dân được duy trì đều đặn, toàn phường có 30/32 phố đạt danh hiệu “an toàn, an ninh, trật tự”. Ngoài ra Đảng ủy đã chỉ đạo công tác phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng tuần tra các phố giữ gìn an ninh trật tự trong các ngày lễ, tết. Tổ chức xây dựng quỹ an ninh quốc phòng để hỗ trợ cho hoạt động an ninh trật tự của địa phương.

Trong 5 năm 1991 - 1995, phường Lam Sơn luôn được xếp là đơn vị khá nhất của tỉnh về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội và được Bộ Công an tặng Cờ thi đua khá nhất trong 3 năm liền (1993 - 1995). Công tác quốc phòng được quan tâm. Xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống bạo loạn và gây rối. Tham gia hội thao do Thị đội tổ chức, lực lượng dân quân tự vệ phường được xếp loại khá, được Chủ tịch UBND thị xã tặng Giấy khen. Dự thi công tác chỉ huy do Tỉnh đội tổ chức đạt loại Giỏi và được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tặng bằng khen. Hằng năm gọi thanh niên nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu trên giao.

Công tác xây dựng chính quyền:

Đầu tháng 11 năm 1994, HĐND phường đã kết thúc nhiệm kỳ với 16 kỳ họp. Trong nhiệm kỳ, các đại biểu HĐND nhiệt tình, thực hiện tốt nhiệm vụ, nắm bắt nguyện vọng của cử tri, phản ánh trong các kỳ họp HĐND đảm bảo lợi ích của cử tri đồng thời thực hiện đầy đủ chức năng giám sát, thực thi pháp luật.

Ngày 20 tháng 11 năm 1994, trên 99% cử tri toàn phường đã tham gia cuộc bầu cử HĐND 3 cấp. Kết quả 23 vị đã trúng cử đại biểu HĐND phường khóa V. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, tại kỳ họp lần thứ nhất, HĐND phường đã bầu ông Trần Kim Đính giữ chức Chủ tịch HĐND, ông Nguyễn Thành Vy giữ chức Phó Chủ tịch HĐND và ông Đỗ Trọng Thư làm Chủ tịch UBND phường.

Sự điều hành của UBND phường và các khối phố, được tăng cường. Mối quan hệ giữa phường và các khu phố ngày càng gắn bó hơn, phương thức và nội dung lãnh đạo, quản lý, điều hành của UBND phường có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Ngày 01 tháng 5 năm 1994, Chính phủ ra Nghị định số 37/CP thành lập thành phố Thanh Hóa trên cơ sở thị xã Thanh Hóa. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn tác động đến nhân dân Thị xã nói chung, nhân dân phường Lam Sơn nói riêng. Sự kiện này đã tạo điều kiện, tiền đề thuận lợi đến việc phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân trong phường.

Hoạt động các đoàn thể quần chúng:

Sự lãnh đạo của Đảng ủy đối với các đoàn thể được tăng cường, mối quan hệ gắn bó hơn, phương thức và nội dung lãnh đạo được cải tiến. Hoạt động của mặt trận và các đoàn thể được đổi mới về nội dung tổ chức và phương hướng hoạt động. Đã tổ chức được các phong trào phù hợp với từng đối tượng và tình hình mới như phong trào tìm vốn, tạo việc làm, lập nghiệp của Thanh niên; phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan của Hội Phụ nữ; phong trào tương trợ giúp nhau những lúc khó khăn của Hội Nông dân, phong trào nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh, phong trào xây dựng quỹ tình nghĩa, quỹ phụng dưỡng ông bà cha mẹ của Mặt trận Tổ quốc đã được đông đảo quần chúng tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng được phát huy.

Từ năm 1991 đến 1995, nhiều tổ chức xã hội được thành lập như Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Hội làm vườn,… thu hút đông đảo quần chúng tham gia, khối đại đoàn kết toàn dân trong phường ngày càng được mở rộng, đã góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tổ chức chính trị tổ chức Đại hội nhiệm kỳ. Ban Chấp hành được kiện toàn đảm bảo số lượng, cơ cấu được đoàn viên, hội viên tín nhiệm (1991 - 1995).

Về công tác xây dựng Đảng:

Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, số đảng viên tham gia đạt tỷ lệ trên 90%. Công tác xây dựng Đảng được Đảng ủy quan tâm và coi trọng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra.

Đảng bộ luôn nâng cao nhận thức tư tưởng, kiên định con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, không dao động trước sóng gió của thời cuộc (các nước XHCN và Liên Xô sụp đổ). Cán bộ đảng viên luôn được học tập chính trị, nâng cao nhận thức về đường lối đổi mới của Đảng, về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời phát hiện và uốn nắn tư tưởng dao động mục tiêu, lý tưởng của người Cộng sản. Từ 1993 - 1995 đã mở 2 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác cho 96 lượt cấp ủy viên, đảng viên mới phải tham gia học chương trình lý luận cơ sở.

Công tác tổ chức được tiếp tục củng cố, xây dựng quy chế hoạt động của cấp ủy, thực hiện nghiêm nề nếp chế độ sinh hoạt, đảm bảo được 3 yêu cầu: “Lãnh đạo, giáo dục, chiến đấu” cấp ủy đã làm tốt công tác quản lý, phân công công tác cho đảng viên.

Trong 5 năm Đảng bộ đã kết nạp được 16 đảng viên mới. Hàng năm đã tiến hành phân loại, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cụ thể như sau:

+ Phân loại Chi bộ đảng:

- Năm 1992, tổng số Chi bộ là 20: Đạt trong sạch vững mạnh là 8, loại khá 10, yếu kém là 2.

- Năm 1993: Tổng số có 20 Chi bộ, đạt trong sạch vững mạnh là 8 chi bộ; khá là 11, chi bộ yếu kém là 1 chi bộ.

- Năm 1994: Tổng số có 21 Chi bộ, đạt trong sạch vững mạnh là 6, đạt khá là 14, yếu kém là 1.

+ Về phân loại đảng viên

- Năm 1992: Tổng số đảng viên là 282, trong đó: loại 1 đạt: 172; loại 2 đạt: 98; Loại 3 là 12

- Năm 1993: Tổng số đảng viên là 302, trong đó: Loại 1 đạt 197; Loại 2 đạt 99; Loại 3 là 6

- Năm 1994: Tổng số đảng viên là 302, trong đó: Loại 1 đạt: 199; Loại 2 đạt 101; Loại 3 là 2

Đảng bộ phường Lam Sơn hằng năm được Thành ủy xếp loại Khá.

Công tác kiểm tra Đảng được tiến hành thường xuyên theo quy định. Trong 5 năm đã phát hiện và xử lý kỷ luật Đảng bằng các hình thức khai trừ 1 đảng viên, xóa tên: 15 đảng viên, chấp nhận đơn xin ra khỏi Đảng là 12 đảng viên, cảnh cáo 1 đảng viên và khiển trách 7 đảng viên.

Chặng đường 5 năm (1991 - 1995), với hai kỳ Đại hội, Đảng bộ phường Lam Sơn đã vận dụng linh hoạt nghị quyết, chỉ thị, của Đảng cấp trên vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo phong trào giành được nhiều thành tích và tạo cho địa phương một tiền đề mới trong phát triển nền kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ ngày càng đi vào nề nếp. Tính Đảng, tính chiến đấu của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Vai trò của HĐND chuyển biến rõ rệt. UBND cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... có nhiều hình thức hoạt động thiết thực, cụ thể.

Trong điều kiện, hoàn cảnh giai đoạn này còn nhiều khó khăn, phức tạp, những thành tích Đảng bộ và nhân dân phường Lam Sơn đạt được trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng là vô cùng quan trọng, tạo ra những tiền đề cần thiết cùng nhân dân thành phố bước vào giai đoạn cách mạng mới.



(1). Tài liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.

(1). Tư liệu lưu tại Văn phòng Đảng ủy phường Lam Sơn.

(1). Năm 1985, đồng chí Vũ Hữu Duỵ nghỉ, đồng chí Nguyễn Hữu Mỡn làm Bí thư.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
221
Hôm qua:
631
Tuần này:
3688
Tháng này:
2636
Tất cả:
361990

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289