ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM! - NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM!

Chương I. Điều kiện tự nhiên - xã hội và truyền thống lịch sử

Đăng lúc: 17:06:51 16/03/2022 (GMT+7)
100%

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI

VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

 

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI

Phường Lam Sơn nằm ở trung tâm của thành phố Thanh Hóa, định vị ở 190 47’ vĩ độ Bắc; 108045 kinh độ Đông tiếp giáp với 9 phường: Phía đông giáp phường Đông Hương và phường Đông Sơn; phía tây giáp phường Ba Đình, phường Tân Sơn; phía nam giáp phường Đông Vệ, phường Ngọc Trạo và phường Ba Đình; phía bắc giáp phường Trường Thi và phường Điện Biên.

Tổng diện tích tự nhiên 92,83ha. Trong đó đất nông nghiệp 1,12ha; đất ở 35,09ha; đất chuyên dùng 54,44ha, còn lại là đất khác

Dân số năm 2021: Toàn phường có 12 tổ dân phố, 16 chi bộ với 3.048 hộ gồm 11.948 nhân khẩu. Mật độ dân số trung bình 10.445 người/km2.

- Khí hậu: Với vị trí là phường trung tâm của thị xã Thanh Hóa trước đây và thành phố Thanh Hóa ngày nay, phường Lam Sơn có đặc điểm khí hậu của khu vực thành phố Thanh Hóa: khí hậu nhiệt đới, gió mùa, với nền nhiệt độ cao, ngoài khí hậu mát mẻ ôn hòa do biển Đông mang lại thì địa phương cũng phải chịu ảnh hưởng của gió Tây khô nóng; thiên tai khắc nghiệt do hạn hán và lũ lụt kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

- Giao thông:

+ Đường thủy: có kênh đào Bến Ngự (nằm ở phía đông nối sông Mã với sông Nhà Lê ở cầu Cốc hay còn gọi là sông Cốc có chiều dài 1.480m).

+ Đường bộ: có quốc lộ 1A đi qua theo trục dọc Bắc Nam; quốc lộ 47 (trước đây là tỉnh lộ số 8) từ Sầm Sơn chạy ngang phường theo hướng Đông - Tây dài 880m đi đến đại lộ Lê Lợi lên các huyện phía tây của tỉnh.

Hơn 20 đường phố được bố trí theo hình ô bàn cờ: trục dọc Bắc - Nam gồm: Lê Hồng Phong, Minh Khai, Trần Phú, Cao Thắng, Lê Hoàn, Lê Hữu Lập, Cầm Bá Thước, Lê Thị Hoa, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Hàng Gạo; Lê Phụng Hiểu, Lê Vãn (Phạm Vấn), Ngô Từ, Mai An Tiêm; trục ngang Đông - Tây gồm: Đại lộ Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Hàng Than, Cửa Tả, Tống Duy Tân, Nguyễn Huy Tự, Hàng Nan, Hàng Sứ, Lê Khôi, Trịnh Thị Ngọc Lữ rất thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh, đặc biệt là kinh doanh thương mại.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH PHỐ, PHƯỜNG

Vào đầu thế kỷ XIX, bốn thôn Hương Bào Nội, Hương Bào Ngoại, Phú Cốc và Phú Cốc Hạ đều nằm hai bên bờ sông Bồn Giang (Sông Cốc) nối từ cầu Bốn Voi đến Lai Thành gặp kênh Bố Vệ đổ ra cửa sông Lễ Môn.

Từ năm 1838 - 1883, vua Minh Mạng lấy thêm 7 mẫu đất của làng Phú Cốc cho đào kênh Bến Cốc. Thôn Phú Cốc và xóm Bào Giang(1) một xóm của Hương Bào ngoại nhập về trấn lỵ trấn Thanh Hoa.

Thời gian này trấn lỵ trấn Thanh Hoa có hai giáp: giáp Đông phố gồm 10 ấp và giáp Nam phố gồm 7 ấp. Vùng đất phường Lam Sơn lúc ấy có 3 ấp: ấp Tả Biên (ở khoảng phía nam Bưu điện tỉnh), ấp Phú Mỹ (ở khoảng chùa Hội Quản), ấp Hữu Biên(2) (ở khoảng Ngân Hàng Á Châu) đều thuộc giáp Đông phố.

Ngày 23 tháng 12 năm 1912, Vua Thành Thái có Chỉ dụ về việc lập các trung tâm đô thị xứ Trung Kỳ, ngày 16 tháng 6 năm 1913, Khâm sứ Trung Kỳ thông qua Nghị định mới có hiệu lực, thị xã Thanh Hóa được thành lập. Thị xã Thanh Hóa đã tiến hành điều tra dân số, tổng số có 7005 người Việt, trong đó vùng đất phường Lam Sơn: phường Tả Môn 852 người, phường Phú Cốc 409 người, phường Bào Giang 375 người. Tổng cộng là 1.636 người bằng 23,3% dân số thị xã lúc bấy giờ(3).

Ngày 31 tháng 5 năm 1929, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Thanh Hóa trên cơ sở thị xã Thanh Hóa. Phiên họp ngày 7 tháng 9 năm 1929, của Hội đồng thành phố Thanh Hóa xác định địa giới thành phố: phía bắc giáp làng Thọ Hạc, phía nam giáp làng Mật Sơn, Tạnh Xá; phía đông giáp sông Bến Ngự; phía tây lấy đường sắt làm ranh giới. Toàn thành phố chia thành 6 phường, mỗi phường do 1 trưởng phường quản lý. Vùng đất phường Lam Sơn thuộc phường Đệ Tam, do ông Trưởng Sáu làm Trưởng phường, kế tiếp là các ông Trưởng Đài, Trưởng Thắng, Trưởng Sắc(1).

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, ngày 20 tháng 8 năm 1945 tại Vườn hoa Độc lập, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Thị xã thành lập do ông Phạm Văn Sáu làm Chủ tịch. Để thống nhất việc quản lý hành chính, Ủy ban quyết định chia thành phố thành 11 khu phố, vùng đất phường Lam Sơn thuộc khu phố 11(2).

Thực hiện Nghị định ngày 28 tháng 1 năm 1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đầu năm 1946, Ủy ban hành chính thị xã chia thị xã thành 4 khu phố và bầu Ủy ban hành chính khu phố: Khu phố 1 từ phía nam phố Tống Duy Tân đến ngã ba Tịch Điền; khu phố II từ phía bắc phố Tống Duy Tân đến phía nam đại lộ Lê Lợi; khu phố III từ phía bắc đại lộ Lê Lợi về phía bắc thị xã; khu phố IV là khu phố Lò Chum. Phường Lam Sơn ngày nay thuộc khu phố II. Tháng 4 năm 1946, nhân dân thị xã bầu cử Ủy ban hành chính thị xã (UBHC), gần 100% cử tri khu phố II đã đi bỏ phiếu bầu cử. Ông Trương Khâm được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính khu phố II(1).

Tháng 7 năm 1947 sau khi thị xã thực hiện triệt để tiêu thổ kháng chiến, vùng đất khu phố II được giao cho xã Đông Hương quản lý, ranh giới từ đường Trường Thi, đường Hàng Đồng và toàn bộ vùng đất phường Lam Sơn hiện nay(2).

Cuối năm 1950 sau khi phân tán khu phố đặc biệt Cầu Bố, một số hộ từ các nơi về thị xã tự động làm nhà buôn bán, dẫn đến sự ra đời phố Vườn Hoa. Do chính quyền địa phương thiếu sự kiểm soát nên Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) tỉnh yêu cầu UBKCHC huyện Đông Sơn chỉ thị cho địa phương phải:

1. Kiểm soát lại số nhà hiện có ở trong đất thị xã cũ, nhất là phố Vườn Hoa, đánh số nhà để tiện việc kiểm soát sau này.

2. Tổ chức chính quyền xóm (gồm xóm đội trưởng, Công an xóm…) để có người liên lạc và giúp chính quyền địa phương.

3. Cương quyết không cho làm thêm một ngôi nhà, một túp lều nào (ngoài số đã có), không cho phình to lên.

Nếu ai làm trái phép bắt giữ ngay và không tuân lệnh thì thi hành kỷ luật (có thể bị truy tố)(1).

Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất nông - công nghiệp phát triển, UBKCHC Liên khu IV chấp thuận thành lập thị trấn đặc biệt Thanh Hóa. Ngày 20/8/1952 UBKCHC tỉnh ra Quyết định số 625-TCUB thành lập UBKCHC thị trấn đặc biệt Thanh Hóa.

Chiều cùng ngày tại xóm Bào Giang, UBKCHC thị trấn đặc biệt ra mắt gồm 6 vị do ông Đặng Sĩ Tuy làm Phó Chủ tịch (tỉnh chưa chỉ định được Chủ tịch) có nhiệm vụ lãnh đạo 49 xóm thông qua 6 UBKCHC khu phố. Vùng đất phường Lam Sơn thuộc khu phố Vườn Hoa(2). Đồng thời, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập Chi bộ Đảng Lao động Việt Nam thị trấn trực thuộc Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Viết Châu làm Bí thư. Ngày 1 tháng 2 năm 1953, Chi bộ thị trấn đặc biệt được nâng lên thành Thị ủy thị trấn đặc biệt, do đồng chí Trịnh Hữu Thường làm Bí thư.

Tháng 10 năm 1953, thực dân Pháp cho 500 quân chia làm ba cánh đổ bộ vào Thanh Hóa để thực hiện âm mưu “chiếm Thanh Hóa và giam chân sư đoàn 304 thâm nhập vào đồng bằng”(3). Nhằm đối phó với hoạt động của địch, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh ra lệnh “phân tán gấp rút và triệt để thị trấn Thanh Hóa, theo nguyên tắc: Vào nông thôn cách thị trấn ít nhất 10km …”. Vì vậy thị trấn Bôn - Đường Vòng được thành lập, gồm các khu: từ Toàn Tân (Đông Sơn) lên ngã Ba Chè vòng về phố Vạc (huyện Thiệu Hóa). Tháng 11 năm 1953 thành lập xã Đông Trấn, quản lý 21 xóm nông nghiệp, trong đó có xóm Phú, xóm Cốc và xóm Bào Giang.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954), miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra, được hoàn toàn giải phóng đi vào củng cố chính quyền, khôi phục kinh tế, xây dựng CNXH làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.

Từ tháng 7/1954, vùng đất phường Lam Sơn gồm hai khu phố: Khu phố 5 và khu phố 6. Đến cuối năm 1960 đầu quý I/1961 sau khi cơ bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh thì chính quyền cơ sở ở đô thị không có nhiệm vụ quản lý kinh tế, do đó thị xã Thanh Hóa từ 7 khu phố chia thành 18 tiểu khu hành chính. Vùng đất phường Lam Sơn có 6 tiểu khu: Vườn Hoa, Bắc Sơn, Công Nông, Ngọc Trạo, Lê Hồng Phong, Lê Lợi. Cũng thời gian này, thực hiện chủ trương của Đảng, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1961 đón nhận hơn 30 hộ kiều bào ở Thái Lan về hình thành xóm “Việt Kiều” thuộc tiểu khu Công Nông (nay là phố Cầm Bá Thước).

Đầu năm 1963, Ủy ban hành chính thị xã Thanh Hóa hợp nhất các tiểu khu nhỏ thành 10 tiểu khu, trong đó 6 tiểu khu: Vườn Hoa, Bắc Sơn, Công Nông, Ngọc Trạo, Lê Lợi và ½ Lê Hồng Phong nhập lại thành tiểu khu Hoàng Hoa Thám gồm các khối phố là: Ngọc Trạo, Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Vườn Hoa, Bắc Sơn, Quyết Thắng, Công Nông. Cuối năm 1972, Ủy ban hành chính thị xã cho thành lập khối Lai Thành trên cơ sở sáp nhập cư dân vùng đất Lai Thành (dọc Tỉnh lộ 8 cũ - nay là quốc lộ 47) với làng Lai Thành (nay là phường Đông Hải). Khối Lai Thành trực thuộc tiểu khu Hoàng Hoa Thám. Ngày 3 tháng 7 năm 1981, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 511/TC/UBTH về việc thống nhất tên gọi các phường trong nội thị, Tiểu khu Hoàng Hoa Thám chuyển thành phường Lam Sơn. Phường Lam Sơn ổn định đến tháng 7 năm 2018 gồm có 21 phố:

 Phố 1: Bao gồm đường Cửa Tả (trước đây là Hà Huy Tập), Lê Hồng Phong và một phần của đường Minh Khai. Trước năm 2003, phố có 141 hộ 500 khẩu, sau năm 2003 để xây dựng Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đã di chuyển 57 hộ gần 200 khẩu. Toàn phố có 82 hộ 350 khẩu; 23 đảng viên.

Phố 2: Gồm một phần của phố Trần Phú (được giới hạn từ ngã tư Bưu Điện đến Công ty Dược và Thiết bị Vật tư Y tế) và một phần ở phía tây của phố Lý Thường Kiệt (đến cổng trường THCS Cù Chính Lan). Tính đến tháng 6 năm 2004, phố 2 có 170 hộ với 645 khẩu. Do yêu cầu của tỉnh, chuyển một số hộ để xây dựng Khu Tượng đài Lê Lợi và trung tâm thương mại. Toàn phố có 103 hộ, 382 khẩu; 16 đảng viên.

Phố 3: Bao gồm đường phố: Cao Thắng (giới hạn từ phía Nam đường Lê Lợi đến ngã tư phố Hàng Than), Lý Thường kiệt (từ cổng phía bắc Trường THCS Cù Chính Lan đến ngã tư phố Lê Hoàn). Phố có 120 hộ, 522 khẩu, 10 đảng viên.

Phố 4: Bao gồm đường phố: Cao Thắng (giới hạn từ ngã tư phía nam phố Hàng Than đến ngã tư phố Tống Duy Tân) và phố Hàng Than (giới hạn từ phía đông phố Trần Phú đến ngã tư phía tây phố Lê Hoàn). Phố có 121 hộ, 453 khẩu, 10 đảng viên.

Phố 5: Bao gồm phố Lê Hoàn (trước đây là phố Vườn Hoa) từ phía nam đại lộ Lê Lợi đến số nhà 170 phía đông phố Lê Hoàn và số nhà 169 phía tây phố Lê Hoàn; phố Lý Thường Kiệt từ phía đông phố Lê Hoàn đến phía tây đường phố Lê Hữu Lập. Phố có 139 hộ, 593 khẩu, 12 đảng viên.

Phố 6: Gồm phố Lê Hoàn (từ ngã tư phía nam phố Hàng Than đến ngã tư phố Tống Duy Tân) và phố Hàng Than (từ phía tây Lê Hữu Lập đến ngã tư Lê Hoàn, Hàng Than). Năm 1994, theo chủ trương của tỉnh, sắp xếp lại địa bàn dân cư, phố Vườn Hoa đổi tên gọi là phố 6. Đến nay phố 6 có 98 hộ, 381 khẩu, 12 đảng viên.

Phố 7: Bao gồm đường Lê Hữu Lập (giới hạn từ đại lộ Lê Lợi đến phố Tống Duy Tân), phố có 130 hộ, 588 khẩu, 12 đảng viên.

Phố 8: Bao gồm phố Tống Duy Tân (giới hạn từ ngã ba về phía tây phố Lê Hữu Lập đến khách sạn Quang Trung; có hai ngõ: ngõ 145 vào Công ty may và 121 vào khu dân cư). Phố có 128 hộ, 462 khẩu, 22 đảng viên.

Phố 9: Gồm đường Đinh Lễ và đường Lê Thị Hoa. Toàn phố có 161 hộ, 626 khẩu, 8 đảng viên.

Phố 10: Tháng 4/2004 được thành lập theo quy hoạch của UBND tỉnh. Phố gồm các đường phố chính: Trịnh Thị Ngọc Lữ, Đinh Liệt, Mai An Tiêm, Lê Khôi và đại lộ Lê Lợi đến phía tây cầu Đông Hương. Phố có 213 hộ, 683 khẩu, 46 đảng viên.

Phố 11: Gồm toàn bộ khu phố Cầm Bá Thước; khu vực đền thờ Tống Duy Tân, phía nam phố Lê Phụng Hiểu. Toàn phố có 159 hộ, 556 khẩu; 15 đảng viên.

Phố 12: Năm 1988 khối Quyết Thắng chia thành 3 phố, trong đó có phố 12. Phố 12 gồm phố Lê Vãn, phố Hàng Gạo và phố Hàng Sứ (bao quanh ½ chu vi chợ Vườn Hoa cũ, nay là nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh). Toàn phố có 90 hộ, 459 khẩu, 12 đảng viên.

Phố 13: Trước đây thuộc khối Quyết Thắng gồm 2 đường phố: Nguyễn Huy Tự và Hàng Nan; 2 ngõ: Ngõ 5 Hàng Nan và 23 Hàng Nan. Phố có 135 hộ, 593 khẩu, 12 đảng viên.

Phố 14: Bao gồm đường phố: Lê Thị Hoa, Đinh Lễ (giới hạn đến ngõ Hợp Nhất), phố có 232 hộ, 784 khẩu, 24 đảng viên.

Phố 15: là trung tâm của làng Phú Cốc cũ, năm 1975, làng Phú Cốc thuộc khối Công Nông, tiểu khu Hoàng Hoa Thám. Tháng 4/1994, sắp xếp lại các phố, phố 15 ra đời. Phố 15 có 157 hộ, 675 khẩu, 14 đảng viên.

Phố 16: Phố 16 gồm phố Tống Duy Tân (từ ngã ba phố Đinh Lễ đến ngõ54). Phố 16 có 84 hộ, 347 khẩu, 6 đảng viên.

Phố 17: Nằm trên 2 trục đường chính là Tống Duy Tân (từ số nhà 63 - 119) và đường Lê Vãn (từ số nhà 01 - 55). Năm 1994, sắp xếp lại tên gọi các phố, phố 17 ra đời. Phố có 132 hộ, 505 khẩu, 27 đảng viên.

Phố 18: Bao gồm đường phố: Tống Duy Tân (giới hạn từ Công an phường đến đường Mai An Tiêm từ đầu phía tây cầu Cốc đến cuối chợ rau quả thực phẩm. Phố có 193 hộ, 740 khẩu, 18 đảng viên.

Phố 19: Được tách ra từ năm 1994, bao gồm đường phố: Tống Duy Tân từ số nhà 121 đến đầu phía Tây Cầu Cốc, đường Ngô Từ (giới hạn đến ngõ 41 dãy phía bắc). Phố có 152 hộ, 626 khẩu, 9 đảng viên.

Phố 20: Thành lập năm 1987, nằm trên đường Ngô Từ (từ ngõ 41 dãy phía nam đến cổng trường dạy nghề Tuấn Hiền). Phố có 144 hộ, 567 khẩu, 16 đảng viên.

Phố 21: Được thành lập năm 1996 trên cơ sở tách ra từ phố 19 và phố 20 gồm đường Nguyễn Huy Tự (dãy phía bắc đối diện phường Đông Vệ), toàn bộ dân cư khu tập thể Nhà máy gỗ Điện Biên và ngõ 28 đường Ngô Từ. Toàn phố có 121 hộ, 558 khẩu, 18 đảng viên.

Thực hiện Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 17/8/2018, về đổi tên, chuyển thôn thành khu phố, sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới tại các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phường Lam Sơn từ 21 phố, sáp nhập còn 12 phố cụ thể là:

Tổ dân phố 1: Được sáp nhập bởi phố 1, phố 2 và một phần phố 4, có 274 hộ, 940 nhân khẩu, diện tích 10,79ha, gồm các tuyến phố: Lê Hồng Phong, Minh Khai, Cửa Tả, Trần Phú, Hàng Than, Đại lộ Lê Lợi.

Tổ dân phố 2: Được sáp nhập bởi phố 3, phố 5, phố 6 và một phần phố 4, có 391 hộ, 1.435 nhân khẩu, diện tích 8,89ha, gồm các tuyến phố: Lê Hoàn, Cao Thắng, Tống Duy Tân, Hàng Than, Lý Thường Kiệt, Đại lộ Lê Lợi.

Tổ dân phố 3: Được sáp nhập bởi phố 7, một phần phố 9, có 317 hộ, 935 nhân khẩu, diện tích 5,69ha, gồm các tuyến phố: Lê Hữu Lập, Lê Thị Hoa, Đinh Lễ, Đại lộ Lê Lợi.

Tổ dân phố 4: Được sáp nhập bởi một phần phố 8, một phần phố 15 và một phần phố 14, có 295 hộ, 1.015 nhân khẩu, diện tích 4,25ha, gồm các tuyến phố: Tống Duy Tân, Đinh Lễ, Lê Thị Hoa, Hàng Than.

Tổ dân phố 5: Được sáp nhập bởi một phần phố 8 và một phần phố 11, có 290 hộ, 976 nhân khẩu, diện tích 3,44ha, gồm các tuyến phố: Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước.

Tổ dân phố 6: Được sáp nhập bởi một phần phố 16, một phần phố 15 và một phần phố 14, có 320 hộ, 1.114 nhân khẩu, diện tích 3,6ha, gồm các tuyến phố: Tống Duy Tân, Đinh Lễ.

Tổ dân phố 7: Được sáp nhập bởi phố 10 và một phần phố 9, có 263 hộ, 843 nhân khẩu, diện tích 23,42ha, gồm các tuyến phố: Đại lộ Lê Lợi, Đinh Liệt, Lê Khôi, Trịnh Thị Ngọc Lữ, Mai An Tiêm.

Tổ dân phố 8: Được sáp nhập bởi phố 18 và một phần phố 16, có 292 hộ, 861 nhân khẩu, diện tích 6,09ha, gồm các tuyến phố: Tống Duy Tân, Đinh Liệt, Mai An Tiêm.

Tổ dân phố 9: Được sáp nhập bởi phố 17 và một phần phố 19, có 347 hộ, 1.237 nhân khẩu, diện tích 5,04ha, gồm các tuyến phố: Tống Duy Tân, Ngô Từ, Phạm Vấn (Lê Vãn).

Tổ dân phố 10: Được sáp nhập bởi phố 12, phố 13 và một phần phố 21, có 382 hộ, 1.331 nhân khẩu, diện tích 6,22ha, gồm các tuyến phố: Phạm Vấn, Hàng Sứ, Hàng Gạo, Hàng Nan, Cầm Bá Thước, Nguyễn Huy Tự.

Tổ dân phố 11: Được sáp nhập bởi phố 20 và một phần phố 19, có 323 hộ, 605 nhân khẩu, diện tích 3,54ha, gồm các tuyến phố: Ngô Từ, ngõ 28 Ngô Từ, mặt bằng 34 Ngô Từ.

Tổ dân phố 12: Phần còn lại của phố 21 được đổi tên thành tổ dân phố 12, có diện tích 11,86ha; 276 hộ với 789 nhân khẩu, gồm các tuyến phố: Nguyễn Huy Tự, Ngô Từ. Toàn bộ mặt bằng tái định cư vành đai đông tây sông Mã và đô thị xanh, nam trung tâm thành phố; toàn bộ mặt bằng 1413, tòa nhà Hợp Lực, tòa nhà Ruby.

Các tổ dân phố ổn định tên gọi và địa vực hành chính như hiện nay (2021).

III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

1. Truyền thống lao động

Khi con kênh Bến Ngự - Bến Cốc hoàn thành, xóm Bào Giang của làng Bào Ngoại được tách về bờ sông phía Tây, ruộng đất không còn nhiều, một số hộ phải chuyển sang nghề buôn bán, vận chuyển lâm thổ sản. Công việc quanh năm, nhưng tập trung vào mùa thu gom luồng, nứa, mây tre vào những tháng cuối năm. Cả xóm chỉ mươi nhà có vốn kinh doanh, buôn bán không chỉ bán lẻ trong thị xã mà còn vận chuyển bán cho khách hàng trong tỉnh và đi ra các tỉnh phía Bắc...

Nông dân làng Phú Cốc ruộng đất đã ít lại bị thu hồi tới 1/3 cho nhu cầu mở chợ, đào sông, nên thanh niên có học thì đi các nơi làm các nghề kiếm sống. Cũng có những người bị bắt đi lính, nhưng giác ngộ cách mạng trở thành binh sĩ cứu quốc như các ông Đội Lân, Đội Dục… có người thoát ly địa phương trở thành cán bộ cao cấp như Thiếu tướng Nguyễn Như Thiết…

Những người lao động của hai làng cùng với lao động từ các địa phương khác góp công sức lấp đầm lầy trong 8 năm thành Vườn Hoa (khu vực bốn con đường ngày nay bao lại là Lê Hữu Lập, Lê Hoàn, Lê Lợi, Tống Duy Tân).

Vùng đất phía tây phường nơi đây xưa kia gọi là phố Lớn với những con đường: Cao Thắng, Trần Phú là nơi hội tụ các nhà kinh doanh Pháp kiều với khách sạn RâyNô; Hoa Kiều; với các cửa hiệu Tân Thành Vinh; Nhân Hoa Tường; Cẩm Châu, Lưỡng Long, Phúc Hưng…; các nhà tư sản Việt Nam có các hiệu vải Thành Phát, Cự Thành, Tinh Hoa; hàng vàng có hiệu vàng Hàn Thuận Xương...

Có thể hình dung vùng đất phường Lam Sơn ngày nay, dưới thời Pháp thuộc chia ba tiểu vùng: tiểu vùng phía đông là cư dân nông nghiệp, đời sống khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém; tiểu vùng giữa là cơ quan công sở của thực dân Pháp và khu Vườn Hoa; tiểu vùng phía tây kinh tế phát đạt, đời sống sung túc, điều kiện vật chất văn hóa đảm bảo.

2. Truyền thống văn hóa

Thời thuộc Pháp trên địa bàn thị xã Thanh Hóa có hai trường học: trường Nữ sinh (trước đây gọi là trường con gái) thu nhận tất cả các nữ sinh trong thành phố và con nhà giàu trong tỉnh học bậc tiểu học (địa điểm ở Siêu thị đối diện kho Bạc Thành phố ngày nay) và trường học Con Tây. Nam học sinh đi học tại Trường Tiểu học Đông Sơn, Tiểu học Thanh Hóa, Trung học Thanh Hóa, các trường tư thục Phùng Quang Lan, Noóc đan nam (Nord’Annam) và Mitxiông (Mission).

Trên địa bàn phường ngày nay có các di tích:

- Đền thờ Tống Duy Tân: hiện nay toạ lạc tại đường Lê Phụng Hiểu. Cụ Tống Duy Tân sinh năm 1837 (quê Bồng Trung - Vĩnh Tân - Vĩnh Lộc), đậu Tiến sĩ năm Ất Mùi (1875). Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương ông hăng hái tham gia và trở thành thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa. Tháng 9 năm 1892, ông bị thực dân Pháp bắt và ngày 5 tháng 10 năm 1892 bị tử hình. Cảm phục ý chí của ông, nhân dân làng Phú Cốc đã lập đền thờ. Hiện nay trong đền còn lưu câu đối: “Lưu huyết ân tình bách niên tồn Phú Cốc. Phân thân y dũng vạn cổ thủ Bồng Trung”. Ngày 1 tháng 4 năm 1991 Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành quyết định xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

- Đền thờ Đức Thánh Trần: hiện nay toạ lạc tại số nhà 01/12 phố Lê Thị Hoa. Đền được tôn tạo năm 1908, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Tướng công Phạm Ngũ Lão (con rể Trần Quốc Tuấn). Trong những năm 1941 - 1945 là nơi cất giấu tài liệu vũ khí bí mật và là địa điểm liên lạc của các đồng chí cán bộ cách mạng, vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), lực lượng tự vệ thành đã dùng làm nơi để vũ khí… Ngày 16 tháng 11 năm 1998, Sở Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

- Đền thờ Đức thánh Trần - Phủ Vặng, dân gian thường gọi là đền Phủ Cốc. Đền toạ lạc tại thôn Bào Giang (cũ) nay là số nhà 63 phố Ngô Từ, phường Lam Sơn. Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng là nhân dân quanh vùng tổ chức Lễ hội. Trước đây đến ngày này, nhân dân tổ chức rước kiệu từ đền Phủ Cốc qua Phủ Thanh Lâm (phố Huế) rồi về chùa Mật (Bố Vệ), như một ngày hội văn hóa của nhân dân thị xã. Năm 1992, được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân đóng góp đã trùng tu xây dựng lại. Toàn bộ di tích có diện tích khoảng 500m2. Ngày 27 tháng 01 năm 1994, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao Du lịch) quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Vùng đất cũ còn có hai rạp chiếu bóng: Rạp chiếu bóng chỉ có hình không có tiếng gọi là rạp chiếu bóng Gô Mông (Gaumont)(1) và rạp Xinêắc (Cinéac)(2). Khi có rạp Xinêắc thì đất rạp chiếu bóng Gô Mông do rạp hát Đắc Thịnh, chuyên hát tuồng, chèo, cải lương quản lý và sử dụng.

Hội quán Hoa kiều - Nhân dân quen gọi là Chùa Hội Quản, Chùa Hội Quản nằm ở phố Trần Phú (nay thuộc phường Ba Đình).

3. Truyền thống yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm, phong kiến

Vùng đất phường Lam Sơn ngày nay, trước đây là nơi tập trung cơ quan đầu não bộ máy thống trị của Tỉnh như: Toà Sứ, Dinh Công sứ, Tổng đốc…; cơ quan thực thi mệnh lệnh đàn áp, bắt bớ, tra tấn: Cảnh sát, mật thám, bang tá, lính khố xanh…; cơ quan thông tin liên lạc: nhà Giây thép…; Cơ quan Tài chính, kho Bạc, Chợ tỉnh…. Do vậy, nhiều người dân yêu nước nhất là tầng lớp thanh niên phải tự tìm đường để đi làm cách mạng. Nhiều thanh niên học sinh học giỏi nhưng tự lập nghề riêng, không tham gia bộ máy chính quyền; nhiều thương gia kết hợp hoạt động buôn bán với ủng hộ phong trào chấn hưng hàng nội hóa, kết hợp hoạt động buôn bán với hoạt động bảo vệ cán bộ và tổ chức cách mạng bí mật... Ở tiểu vùng phía đông sống sát cơ quan đầu não của Pháp, thông qua các việc làm phục vụ bồi bếp, kéo xe tay, thợ may, khâu đầm... lấy tin tức cung cấp cho tổ chức cách mạng bí mật. Ngoài ra còn có những thợ thủ công, nông dân ủng hộ bảo vệ, giúp đỡ, che chở những cán bộ hoạt động cách mạng thoát khỏi vòng kiểm soát của chính quyền thực dân, phong kiến.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc cho người dân Thanh Hóa nói chung, vùng đất phường Lam Sơn hiện nay nói riêng lòng yêu nước thiết tha, ý chí căm thù giặc sâu sắc, tinh thần đoàn kết sẵn sàng đứng lên để đánh đuổi những thế lực áp bức bạo tàn, gìn giữ quê hương. Điều kiện tự nhiên và truyền thống lịch sử của vùng đất nơi đây đã góp một phần quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước hết sức hào hùng của dân tộc.


(1). Sách Thành Hạc Xưa và Nay số 1/2003 trang 21.

(2). Sách Danh sĩ Thanh Hóa - Mục tên làng xã đầu thế kỷ XIX.Nxb Thanh Hóa 1995 trang 283.

(3). Trang 13 sách Thành Hạc Xưa và Nay số 2/2003.

(1). Thành Hạc Xưa và Nay số 2/2003. Tr.44.

(2). Quyển I hồ sơ lưu trữ số 9 trung tâm lưu trữ UBND tỉnh Thanh Hóa.

(1). Lịch sử Đảng bộ thành phố Thanh Hóa (1945 - 2000). Nxb Thanh Hóa, năm 2000, tr122.

(2). Thành phố Thanh Hóa 1947 - 1994, Nxb Thanh Hóa, năm 1994, tr7.

(1). Hồ sơ lưu trữ số 400/1951: Công văn số 658TTA ngày 28/8/1951 của UB kháng chiến hành chính tỉnh.  

(2). Thành phố Thanh Hóa 1947 - 1994, tr 28 - 38.  

(3). Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954, Bộ Chỉ huy Quân sự, Nxb Thanh Hóa 1990, tr 159.  

(1). Địa điểm rạp Chiếu bóng Gaumont thuộc khu đất ranh giới 3 đường Minh Khai - Lê Hồng Phong - Cửa Tả.

(2). Địa điểm giới hạn bởi 4 đường Đào Duy Từ, Lê Hoàn, Tống Duy Tân, Nguyễn Trãi. 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
18
Hôm qua:
592
Tuần này:
4164
Tháng này:
11943
Tất cả:
371297

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289