ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM! - NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM!

Chương II: PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1930 - 1954)

Đăng lúc: 17:10:51 16/03/2022 (GMT+7)
100%

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN

GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1930 - 1954)

 

I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

1. Chính trị

“Chính sách chia để trị” là thủ đoạn cai trị quen thuộc của thực dân Pháp đối với 3 nước Đông Dương: Việt - Miên (Campuchia) - Lào. Và ngay ở Việt Nam chúng cũng chia ra 3 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ với chế độ cai trị hà khắc. Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ nằm trong chế độ bảo hộ do một Khâm sứ đứng đầu, bộ máy cai trị của triều đình nhà Nguyễn không có thực quyền. Mặc dù vẫn được duy trì từ tỉnh đến làng, xã,… Nhưng trên thực tế mọi quyền hành đều nằm trong tay người Pháp. Bộ máy cai trị gồm có Toà sứ, đứng đầu là viên Công sứ Pháp thay mặt Khâm sứ Trung Kỳ chỉ đạo mọi hoạt động từ tỉnh xuống làng, xã. Giúp việc cho các Công sứ có các Phó sứ cùng các nha sở chuyên môn do người Pháp cai quản như: Thủ kho bạc, Chánh, Phó giám binh (coi việc quân sự). Bộ máy chính quyền Nam triều: đứng đầu tỉnh là Tổng đốc, giúp Tổng đốc có các cơ quan như Bố chánh phụ trách việc hộ; Án sát (Toà án); Bang tá (trông coi an ninh trật tự); Đốc học (trông coi giáo dục)… Dưới cấp tỉnh là phủ, huyện (đối với miền núi là châu) có tri phủ, tri huyện (tri châu) nắm giữ. Dưới cấp phủ, huyện là tổng và làng (hoặc thôn), đều có chánh, phó tổng, lý trưởng, phó lý thực thi những quy định của chính quyền cấp trên. Đối với người dân lao động chúng phân thành hai loại: Dân đinh (bao gồm nam giới từ 18 đến 60 tuổi) và dân thường (là số người còn lại). Dân đinh được ghi chép vào sổ sách, do lý trưởng quản lý để thu thuế thân. Đối với thành phố Thanh Hóa, có nơi chúng lỏng tay để mua chuộc, có nơi chúng bóp nghẹt bắt phải tuân thủ mệnh lệnh, nhưng tất cả quy định của chúng đều khó thực hiện trước ý thức dân tộc của người Việt Nam.

2. Kinh tế

Thực dân Pháp dùng chính sách vơ vét tài nguyên thuộc địa để phát triển công nghiệp tại chính quốc, một mặt làm cạn kiệt tài nguyên, mặt khác hạn chế phát triển nghề nghiệp của người lao động thuộc địa, đẩy họ vào con đường bần cùng hóa, chỉ còn nai lưng đi làm thuê hoặc làm các nghề nặng nhọc như khuân vác mà vẫn không đủ ăn. Ngay cả tầng lớp tư sản bản xứ có vốn kinh doanh cũng bị chèn ép để không phát triển được. Trong khi đó lại tạo thuận lợi cho tư bản Pháp độc quyền kinh doanh rượu, thuốc phiện, chiếm cứ đất đai, mở công xưởng, xây dựng đường sắt…

Ngày 02 tháng 8 năm 1930, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thiết lập chức chánh cảnh sát thành phố với mức lương cao, quyền hạn rộng nhằm tăng cường quyền hạn để đàn áp và bóc lột nhân dân.

3. Văn hóa xã hội

Một chính sách xã hội “để cho đói cơm, thiếu thuốc, mù chữ, dốt nát, ốm yếu” là âm mưu của chính quyền cai trị thực dân Pháp để buộc người dân nô lệ phải đi theo chúng. Nhưng với truyền thống văn hóa dân tộc “đói cho sạch, rách cho thơm”, truyền thống hiếu học “học để làm người”, “thương người như thể thương thân”, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”… Trong hoàn cảnh ấy các bậc cha, mẹ vẫn cố gắng nuôi con ăn học. Vì thế trên vùng đất phường Lam Sơn số thanh niên không kể con nhà giàu mà cả con nhà nông dân nghèo đều biết chữ, cao nhất hoàn thành bậc trung học, trung bình hết bậc Tiểu học, ít nhất cũng biết đọc, biết viết, làm bốn phép tính… Vì thế đã tạo cơ sở thuận lợi để quần chúng, nhất là lớp thanh niên sớm tiếp thu chủ nghĩa yêu nước làm cơ sở cho phong trào cách mạng phát triển.

Trong thời gian này, thực dân pháp còn cho xây dựng một nhà Xéc (Câu lạc bộ thể dục thể thao), một câu lạc bộ của tầng lớp quan lại, tham sự, tham tán, nha lại...

Với những thể chế văn hóa như trên phần lớn phục vụ tầng lớp giàu có, còn người lao động nghèo khổ thì không bao giờ được tới. Chính đó cũng là mảnh đất ươm mầm cho phong trào vận động quần chúng yêu nước đấu tranh giành chính quyền cách mạng trong tháng Tám năm 1945.

II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN GÓP PHẦN GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Vào những năm 1927 - 1929, ông Trương Khâm ở phố Hàng Ngang (nay là phố Tống Duy Tân), ngay từ khi học lớp nhất B, Trường Tiểu học Thanh Hóa là thành viên của Tiểu tổ học sinh đoàn, thuộc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tiểu tổ học sinh đoàn nhận tài liệu từ Quảng Châu truyền về thị xã Thanh Hóa, đó là những tài liệu có nội dung tuyên truyền cách mạng, kêu gọi tầng lớp thanh niên, học sinh đứng lên đánh đổ cường quyền áp bức giành lại độc lập tự do. Thời gian này tiểu tổ đã tổ chức đấu tranh chống bọn tây quay số tích co và tổ chức lễ tưởng niệm nhân giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh.

Quay số tích co là trò chơi bịp bợm lừa đảo moi tiền nhân dân do bọn cai thầu tổ chức. Tiểu tổ học sinh đoàn đã vạch mặt đánh đuổi chúng, lính Cẩm phải đến can thiệp, bị anh em trong tiểu tổ bắt giữ, Công sứ, Tổng đốc biết việc nhưng phải làm ngơ.

Nhân ngày giỗ đầu cụ Phan Chu Trinh, học sinh Trường Thị xã và Tiểu học Đông Sơn yêu cầu làm lễ tưởng niệm, nhưng công sứ Pháp không đồng ý. Đúng ngày 24/3/1927, học sinh cả 3 lớp Nhất (A - B Trường Tiểu học Thanh Hóa và Trường Tiểu học Đông Sơn) đồng loạt mặc áo dài trắng đến lớp, mặc cho thời tiết chưa chuyển sang hè. Ngày 27/3/1927, học sinh 3 lớp nhất của hai trường kéo lên núi Mật tổ chức giỗ đầu Cụ. Một tên lính lệ mặc giả thường dân đi theo dò xét, đã bị phát hiện và bị giữ lại để cảnh cáo, đến khi buổi lễ tổ chức xong mới thả cho về.

Hai cuộc đấu tranh do các tiểu tổ học sinh đoàn tổ chức đã gây nên sự tức tối điên cuồng của bọn cầm quyền. Chúng quyết định đuổi 10 học sinh của cả hai trường, không cho thi tốt nghiệp, không cho tiếp tục học ở trường khác. Chỉ chấm cho 50 học sinh đậu tốt nghiệp trong số 200 học sinh dự thi.

Thái độ đàn áp của chính quyền thực dân phong kiến đã bộc lộ rõ. Vấn đề đặt ra cho số thanh niên nhất là học sinh lúc này là phải có cách làm phù hợp thúc đẩy phong trào tiến lên. Năm 1926, đồng chí Lê Hữu Lập sau khi học xong lớp học chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc), được đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cử về nước để chỉ đạo phong trào. Đồng chí Lê Hữu Lập và Mai Xuân Diễn là chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thuê ngôi nhà số 26 phố Hàng Than bố trí bên ngoài là cửa hàng bán nước mắm, bên trong là nơi hội họp các đồng chí hoạt động cách mạng từ huyện lên, từ tỉnh ngoài đến…

Tháng 4 năm 1927, thành lập Tỉnh bộ lâm thời Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (viết tắt: VNCMTN) do đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư. Tháng 4 năm 1928, hội nghị đại biểu thanh niên Thanh Hóa họp tại chùa Quan Thánh (núi Nhồi), bầu Ban Chấp hành chính thức, đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư. Trong thời gian từ lâm thời đến chính thức, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã mở nhiều lớp học về “Đường kách mệnh” cho hội viên; vận động thành lập Hưng nghiệp Hội xã với mục đích chấn hưng hàng nội hóa, dưới hình thức huy động đóng góp cổ phần. Chi nhánh Hưng Nghiệp hội xã Thanh Hóa đóng tại 18 phố Lớn (nay là phố Trần Phú).

Cũng thời gian này, tại Thanh Hóa còn có tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng (gọi là Đảng Tân Việt). Chi bộ Tân Việt đầu tiên được thành lập tại làng Ngô Xá Hạ (xã Thiệu Minh - Thiệu Hóa). Đầu năm 1927, khi di chuyển Hội sở từ làng Ngô Xá - Thiệu Hóa về thị xã Thanh Hóa, Đảng Tân Việt đã chủ trương phát triển hội viên ra một số địa phương. Chi bộ Tân Việt của thị xã Thanh Hóa ra đời tại Lò Chum, trong số đó có đồng chí Lê Tất Đắc, Thư ký nhà ga, bà Nguyễn Thị Nghiên nữ hộ sinh … Tân Việt rất coi trọng việc huấn luyện hội viên theo nội dung “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.

Vào giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương giải tán Hội để thành lập Đảng Cộng sản. Chủ trương đó được truyền về Thanh Hóa, trong lúc đồng chí Lê Hữu Lập được điều động đi hoạt động ở Thái Lan, số các đồng chí còn lại đã thống nhất chủ trương của Tổng bộ, nhưng chưa kịp triển khai thì tổ chức bị vỡ. Nhiều cốt cán Thanh niên, Tân Việt đã bị bắt. Năm học 1929 - 1930, đồng chí Trương Khâm học lớp Đệ nhất Quốc học Vinh, cùng ở ký túc xá có Nguyễn Minh Vỹ (sau là cục trưởng tuyên truyền Ban tuyên giáo Trung ương), Chu Văn Biên (sau là Bí thư Đảng liên khu ủy IV); Hoàng Lệ Thường (tức Hoàng Lệ Kha quê ở Hà Trung, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh bị Mỹ- Diệm giết hại). Ở đây đồng chí Trương Khâm được giới thiệu tham gia nhóm học sinh đỏ của Hội VNCMTN (khi thành lập Đảng Cộng sản thì đổi tên là Hội Xích sinh - một tổ chức quần chúng của Đảng Cộng sản).

Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ngày 29/7/1930 dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Thanh Hóa được thành lập. Đến cuối năm 1930 trên địa bàn tỉnh có 5 Chi bộ Đảng ra đời(1), song do sự đàn áp của kẻ thù hầu hết các đồng chí Tỉnh ủy và đảng viên đều bị địch bắt.

Tháng 5 năm 1930, phong trào cách mạng Nghệ An, Hà Tĩnh do Đảng Cộng Sản lãnh đạo bùng nổ (phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh). Chính quyền thực dân phong kiến dùng lực lượng quân sự thẳng tay đàn áp nông dân, đàn áp người biểu tình. Các trường học phải đóng cửa, đồng chí Trương Khâm được giao nhiệm vụ đến cơ sở Chùa Đá giữ một bộ “Tư Bản” do Các Mác viết (đã dịch sang tiếng Pháp), nhưng do thiếu kinh nghiệm đồng chí Trương Khâm bị địch phát hiện, sau khi bị lục lọi ở trên gác, mật thám bắt được một hòm trong đó có dấu in thạch và tờ giấy in. Ông bị nhà cầm quyền bắt kết án 1 năm tù giam và 5 năm quản thúc.

Ngày 01 tháng 01 năm 1931, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, các đảng viên Tân Việt trung kiên đã chắp nối tổ chức thành lập Tỉnh ủy.

Đầu năm 1934, đồng chí Nguyễn Tạo, một trong bảy chiến sỹ cộng sản, thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) về Thanh Hóa bắt liên lạc xây dựng được một số cơ sở ở huyện Thọ Xuân, thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

Thời kỳ này phong trào cách mạng ở Thanh Hóa phần lớn dựa vào tranh luận công khai trên báo chí hợp pháp để chống lại những quan điểm tư tưởng tiêu cực, lạc hậu, xa rời thời cuộc, cam tâm làm nô lệ, làm bồi bút tay sai cho thực dân Pháp. Nhờ đó mà phong trào đấu tranh của học sinh phát triển như tờ báo “Con Sáo” là tờ báo tay của học sinh Trường Cô - Le (College); tờ báo “Loa” cũng là tờ báo tay của lớp đệ nhị, phản đối gánh xiếc Hác - Mơ - Tông (Harmston) diễn trò miệt thị dân tộc Việt Nam, kêu gọi nhân dân không đi xem. Vì vậy, đoàn xiếc thất thu, chủ rạp phải treo cổ tự tử...

Thời gian này, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, Hội đọc sách báo cách mạng do các đồng chí có kinh nghiệm đấu tranh hướng dẫn thảo luận, như đồng chí Nguyễn Xuân Phương - Bí thư Chi bộ Hà Trung (năm 1930) lúc này là y tá Nhà thương (Bệnh viện tỉnh); đồng chí Trương Khâm; đồng chí Nguyễn Đình Thực, tiểu tổ học sinh Tân Việt…

Năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử đưa đến việc thành lập Chính phủ Bình dân Pháp. Đối với Đông Dương, đã có một số tiến bộ: thả tù chính trị, tiến hành cải cách xã hội cho lao động thuộc địa, thành lập một Ủy ban điều tra tình hình Đông Dương.

Nắm được cơ hội đó, Trung ương Đảng phát động phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp. Tại thành phố Thanh Hóa, nhóm đảng viên Tân Việt cũ ở Lò Chum tập hợp được 30 người lập Ủy ban hành động, đưa yêu sách đến Gô Đa(1). Lúc này, Cơ quan Tỉnh ủy từ nông thôn về thành phố, có cơ sở bí mật, cơ sở liên lạc bán công khai, liên lạc đặc biệt. Thành phố Thanh Hóa trở thành đầu mối liên lạc của phong trào cách mạng trong tỉnh.

Năm 1937, thành phố và các huyện trong tỉnh tổ chức thành công cuộc bầu cử Viện dân biểu Trung kỳ, 5 trong số 6 ứng cử viên là người có cảm tình với Đảng Cộng sản đã trúng cử.

Năm 1938, thành lập Ủy ban vận động cách mạng Thành phố nhằm tổ chức quần chúng đoàn kết trong mặt trận dân chủ; phát triển Hội ái hữu, Hội tương tế; thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ, Hội Phụ nữ Dân chủ, mở lớp học truyền bá chữ Quốc ngữ; đòi tự do lập hội, tự do báo chí, vận động ủng hộ Trung Hoa kháng Nhật (7/7/1939)...

Tháng 5 năm 1938, Tỉnh ủy quyết định mở “Thanh Hoa Thư quán” theo hình thức vận động đóng cổ phần tuỳ theo khả năng đóng góp, vì thế có vốn mua được nhiều sách đã phải thuê nhà ở số 105 Phố Lớn. Học sinh trung học ở Thành phố lập các nhóm cộng tác viên đi bán sách. Sách báo cách mạng đã góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng ở Thanh Hóa và các huyện lên cao.

Thời gian này phong trào “Truyền bá Quốc ngữ” phát triển mạnh, Tỉnh ủy chủ trương mở rộng phong trào truyền bá Quốc ngữ ở các nơi trong tỉnh. Tại thành phố Thanh Hóa, thành lập Chi Hội truyền bá Quốc ngữ, do ông Nguyễn Văn Nguyên làm Chi hội trưởng, bố trí đảng viên và vận động những người có cảm tình với Đảng làm giáo viên đứng lớp, vận động người đi học, quyên tiền mua giấy bút giúp đỡ học viên nghèo … tại vùng đất phường Lam Sơn có đồng chí Trương Khâm, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, bà Nguyễn Thị Nghiên tham gia tích cực.

Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy phân công đồng chí Lê Chủ phụ trách phong trào Thành phố. Đồng chí Trịnh Công Song (quê Bình Lục - Hà Nam) tham gia phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Vàng Danh, vượt ngục Thái Bình vào Thanh Hóa ở nhà Quản Hiến, chủ hiệu xe tay Hưng Lợi ở phố Vương Duy Trinh, làm nghề sửa xe, sau làm cai xe.

Đồng chí Song phối hợp với đồng chí Lê Chủ tổ chức vận động phu xe, thợ sửa xe đấu tranh buộc chủ xe phải tăng tiền công, mà không đuổi thợ.

Nhân ngày 07 tháng 7 năm 1939, tại Hoa Thương Hội Quán(1), Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh có gần 600 người dự. Đồng chí Bùi Đạt thay mặt nhân dân trong tỉnh đọc diễn văn kêu gọi đoàn kết giữa hai dân tộc, ủng hộ nhân dân Trung Hoa kháng chiến chống Nhật xâm lược và trao cho Bang trưởng Hoa Kiều hàng trăm lá thư và 108 đồng tiền Đông Dương quyên góp được để chuyển về cho nhân dân Trung Quốc. Cuộc mít tinh vừa kết thúc thì lính cẩm do tên Bang tá chỉ huy vào bắt đồng chí Bùi Đạt về trại giam nhằm uy hiếp tinh thần của người Việt và người Hoa. Bất bình trước việc làm của bọn lính cẩm, ông Vũ Đình Chung xông lên đánh tên Bang tá, chúng đã bắt và kết án ông 6 tháng tù giam.

Sau vụ khủng bố cuộc mít tinh kỷ niệm ngày song thất (7/7), mặc cho sự đàn áp bắt bớ của kẻ thù, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Cách mạng tư sản dân quyền Pháp (14/7/1789 - 14/7/1939), đại diện của Đảng bộ tỉnh phối hợp với chi nhánh Đảng xã hội Pháp tại Thanh Hóa tổ chức mít tinh tại rạp hát Anh Viên, phố Cửa Hậu. Cuộc mít tinh đã thu hút hàng trăm viên chức, học sinh, thân sỹ tiến bộ tham gia. Tiếng nói công khai trước nhà cầm quyền Pháp - Nam triều đấu tranh đòi dân chủ tự do, đòi thả tù chính trị, đòi giảm sưu thuế, cải thiện đời sống, chống chiến tranh phát xít lại vang lên thúc dục quần chúng đấu tranh.

Ngày 01 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Ngày 28 tháng 9 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh giải tán và cấm mọi hoạt động của các tổ chức cộng sản.

Vào cuối năm 1939 đầu năm 1940, bộ máy lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên thực tế không còn tồn tại, nhiều Chi bộ đảng tan vỡ. Tỉnh ủy quyết định chấm dứt mọi hoạt động công khai, nửa hợp pháp, rút lui vào bí mật, chuyển cơ sở về nông thôn vừa để bảo toàn lực lượng, vừa tiếp tục vận động quần chúng bước vào giai đoạn mới của cách mạng.

Đầu năm 1940, ông Vũ Đình Chung thoát khỏi nhà tù về địa phương, lại tiếp tục hoạt động. Thời gian này đồng chí Trần Hoạt (Trần Bảo) từ Thái Bình vào, đồng chí Bùi Lâm từ Hải Phòng vào … liên lạc với cơ sở Bà Nguyễn Thị Dịa (thân mẫu ông Vũ Đình Chung). Đồng chí Trần Hoạt giao nhiệm vụ cho ông Vũ Đình Chung cung cấp đá in li tô cho các tỉnh phía Bắc. Ông Vũ Đình Chung giới thiệu nhiều đồng chí trong Thành phố với đồng chí Trần Hoạt và đồng chí Bùi Lâm, cung cấp bản đồ Thanh Hóa để nghiên cứu địa hình xây dựng chiến khu. Sau khi các bộ phận đi khảo sát, Tỉnh ủy quyết định chọn làng Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) để xây dựng chiến khu, xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh. Đầu năm 1942, ông Vũ Đình Chung đã chắp nối được với đồng chí Vũ Đình Huỳnh và Nguyễn Lương Bằng, nhận được tài liệu trong đó có lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc. Đem tài liệu về, ông Chung chắp nối lại cơ sở cũ cùng với đồng chí Trương Khâm, Vũ Đức Huề (Trần Quang Huy) thành lập nhóm lãnh đạo Việt Minh Thành phố. Cũng lúc ấy, Tỉnh ủy phái đồng chí Đinh Chương Lân về bắt mối với ông Vũ Đình Chung để xây dựng cơ sở ở Thành phố theo tinh thần rộng rãi nhưng triệt để giữ bí mật. Trên tinh thần đó, các đồng chí đã xây dựng cơ sở theo hoạt động giới nghề nghiệp để che mặt địch. Cụ thể:

- Nhóm vận động tiểu thương do đồng chí Nguyễn Khắc Thiệu phụ trách có nhiệm vụ trợ giúp đồng bào nghèo khó...

- Nhóm bệnh viện do bà Nguyễn Thị Nghiên phụ trách, đã xây dựng được tổ Việt Minh bệnh viện chăm sóc chữa trị cho nhiều bệnh nhân là tù chính trị thoát khỏi các căn bệnh hiểm nghèo. Đồng thời còn phát triển được nhiều nhóm: ở Vệ Yên, Nhà máy Đèn, Dốc ga vv…

- Ngoài ra còn có các nhóm như: Nhóm thợ may ông Tô Ân phụ trách, Nhóm xe kéo đồng chí Trịnh Công Song làm Trưởng nhóm, nhóm binh sĩ đồng chí Lê Xuân Phùng phụ trách.

Đầu năm 1943, nhiều cơ sở Việt Minh ở thành phố Thanh Hóa thành lập. Việt Minh Thành phố đã in lại truyền đơn của Tổng bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân đấu tranh.

Được sự chỉ đạo khéo léo của Việt Minh, các em thanh thiếu nhi Bến Cốc làm bồi bếp lao động trong các cơ sở phục vụ quân đội Nhật, hoặc chăn trâu, đã quan sát tình hình Nhật làm sân bay Lai Thành, thu lượm được nhiều tin tức về những hành động khủng bố, ngược đãi của bọn Nhật đối với người làm, kịp thời báo cho Việt Minh để cứu họ, đồng thời có thời cơ tháo dây buộc ngựa hay lấy súng Nhật về giấu ở đền Trần (Phủ Cốc) giao nộp cho Việt Minh… làm chúng mất ăn mất ngủ.

Trận bão lụt cuối năm 1944 làm mất mùa nghiêm trọng, phát xít Nhật lại ra sức vơ vét lúa gạo để cung cấp cho quân đội của chúng không chỉ ở chiến trường Đông Dương mà cả vùng Đông Nam Á đã gây nên nạn đói trầm trọng. “Nạn đói năm Ất Dậu”, cả tỉnh có đến hàng vạn người chết đói. Hội Hướng đạo sinh quyên góp gạo nấu cháo, đẩy những chuyến xe bò đi nhặt xác người chết đói vùi chung ở khắp các bãi tha ma, nghĩa địa ven Thành phố. Nạn bắt phu khủng khiếp, sưu thuế nghiệt ngã, hành động giết người man rợ của hiến binh Nhật … đã làm cho nhân dân ta không thể sống được dưới ách thống trị của Nhật - Pháp, chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghĩa.

Ngày 15/2/1945 (3/1 Ất Dậu), Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa kêu gọi: “Hỡi các giới đồng bào yêu nước! Hỡi các đồng chí cứu quốc! Cơ hội khởi nghĩa không đợi người! Bỏ lỡ dịp này là tội lớn! Sửa soạn đứng lên! Năm khởi nghĩa đã bắt đầu!...

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô đã quét sạch phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô và tiến như vũ bão về Béc lin (Berlin), sào huyệt cuối cùng của Đức quốc xã. Tại mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật cũng bị nguy khốn. Lợi dụng cơ hội này, bọn Pháp ở Đông Dương hoạt động ráo riết để khôi phục lại quyền thống trị của chúng. Biết rõ âm mưu đó, đêm ngày 09 tháng 3 năm 1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương, đến chiều ngày 10 tháng 3, phát xít Nhật đã làm chủ ở các vùng đô thị lớn và nhiều tỉnh lỵ. Cuộc đảo chính này ở Thanh Hóa chỉ diễn ra trong chốc lát. Sau vài loạt đạn súng máy của Nhật, thực dân Pháp đã nộp súng đầu hàng.

Toàn bộ khu dân cư Pháp kiều thuộc về quân đội Nhật quản lý sử dụng. Toà công sứ Pháp thành nơi đặt Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Thanh Hóa. Bộ máy cai trị Nam Triều được đổi từ Tổng đốc, tri phủ, tri huyện sang chức tỉnh trưởng (do Hà Văn Đại, một đảng viên Đại Việt đảm nhiệm), huyện trưởng, đối với các tổng, làng vẫn giữ nguyên bộ máy cai trị. Các cơ quan chuyên môn, người Việt thay chân người Pháp điều hành.

Ngày 12 tháng 3 năm 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định rõ “Nhiệm vụ trước mắt là gấp rút chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”, khẩu hiệu hành động là “đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Bộ máy chính quyền phong kiến, phần lớn là những Chánh phó tổng, Lý trưởng, Phó lý, kỳ hào,… được đọc, được nghe nói, xôn xao dư luận về những lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh nhiều người đã: “Từ chối miếng mồi cửu phẩm, bát phẩm” do bọn thống trị đưa ra để mua chuộc nhằm thực hiện chính sách “nồi da nấu thịt”, “lợi dụng người Việt Nam giết hại người Việt Nam”… Tại thành phố Thanh Hóa phong trào luyện võ, tập quân sự của tự vệ Việt Minh hoặc của võ Việt Nam với việc chuẩn bị gậy gộc, giáo mác cho khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra sôi nổi.

Tháng 4 năm 1945, đồng chí Trương Khâm, một trong số 12 người bị bắt về tội học sinh trường Bưởi đi rải truyền đơn kêu gọi chống Pháp, bị thực dân Pháp bắt giam được trả tự do trở về địa phương.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Lê Tất Đắc sau khi thoát khỏi nhà tù Hoả Lò, đồng chí Phạm Văn Sáu thoát khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Nguyễn Đình Thực thoát khỏi nhà lao Thanh Hóa trở về địa phương bắt tay ngay vào chỉ đạo phong trào.

Ban cán sự Việt Minh Thành phố được kiện toàn do đồng chí Phạm Văn Sáu làm Trưởng ban.

Ông Vũ Đình Chung lợi dụng tổ chức Võ Việt Nam (Vovinam) làm cái vỏ bọc để huấn luyện tự vệ. Các nhóm Vovinam hướng dẫn hội viên luyện tập đều đặn.

Hội Phụ nữ cứu quốc phát triển khá rộng khắp: Cầu Sâng, Bào Nội, Lò Chum, phố Nhà Thương, Phố Cửa Tiền, phố Cửa Tả, phố Dốc ga, phố Ngang do bà Phượng phụ trách. Bà Lê Nữ Tú là liên lạc viên từ bà Phượng đến các trưởng nhóm khác. Một kỷ luật nghiêm là các Tổ trưởng không được liên lạc với nhau, nên giữ được bí mật tổ chức.

Thanh niên cứu quốc vừa luyện tập quân sự vừa rèn sắm vũ khí chuẩn bị giành chính quyền gồm các nhóm như: ông Phan Văn Duệ nhóm Cửa Tiền, ông Lê Kinh Hùng nhóm phố Ngang, các nhóm phố Huế, Pôn Be, Lò Chum, phố Ga, nhà máy Đèn, thợ may, xe kéo, xe ba gác… đều chuẩn bị may cờ, biểu ngữ.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Quân đội Nhật tại Đông Dương tan rã, chờ ngày quân Đồng minh vào tước khí giới để về nước.

Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, đồng chí Phạm Văn Sáu thay mặt ban cán sự Việt Minh thành phố chuyển thư Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh cho quân đội Nhật yêu cầu không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Hứa đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm, bảo đảm an toàn tính mạng cho rút quân về nước. Kết quả là quân đội Nhật nhận rút quân về đóng ở nhà Dòng. Họ yêu cầu tự vệ Việt Minh và quân đội Nhật phải ở cách xa nhau khoảng 500 mét.

Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa được dán ở khắp nơi trong Thành phố. Tối ngày 18 tháng 8 năm 1945, tại nhà ông Lê Liên Giao (Lò Chum), Ban cán sự Việt Minh thành phố mở hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã quyết định phương châm hành động là Kiên quyết nhưng không quá khích, nhanh gọn nhưng không nóng vội, khôn khéo mà không cứng đờ. Đối tượng phải loại bỏ là bảo an binh và Tỉnh trưởng Nguyễn Trác. Đồng thời chuẩn bị lực lượng để Nhật rút quân tới đâu thì quân khởi nghĩa tiến đến đó. Thành lập Ủy Ban khởi nghĩa gồm 5 người do đồng chí Phạm Văn Sáu làm Trưởng ban; phân công đồng chí Phạm Văn Sáu và ông Nguyễn Văn Yêm tiếp nhận sự đầu hàng của Tỉnh trưởng, ông Vũ Đình Chung và Lê Xuân Phùng có trợ lực của hai binh sĩ cứu quốc là Đội Lân, Đội Dục tước khí giới bảo an binh.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, một cán bộ Việt Minh ở xóm Bào Giang tham gia khởi nghĩa với tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn.

Trong khi hội nghị đang họp bàn thì nhóm tiểu thương khu phố Lớn đã quyên góp vải đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng, nhiều cờ đỏ sao vàng dán bằng giấy cầm tay. Đặc biệt ngay đêm hôm đó tự vệ khu Phố lớn đã kéo lá cờ cỡ 4x6 mét lên đỉnh núi Mật Sơn. Mờ sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, cờ phần phật tung bay trước gió chào mừng đoàn quân khởi nghĩa của Thành phố đi giành chính quyền.

Sáng 19 tháng 8 năm 1945, quân đội Nhật đã rút hết quân về đóng ở nhà Dòng, nhưng chúng vẫn đặt một trạm gác tại ngã tư đường Toà sứ (ngã tư Bưu Điện hiện nay). Trưởng ban khởi nghĩa lại phải trực tiếp thuyết phục chúng mới chịu rút về nhà Dòng.

Khi quân Nhật đã tập trung tất cả về nhà Dòng, mũi tiến công thứ nhất do các ông Vũ Đình Chung, Lê Xuân Phùng chỉ đạo, võ sư Vũ Thức chỉ huy quân sự, ông Nguyễn Khắc Thiệu nhanh chóng thuyết phục binh lính, nộp vũ khí đầu hàng. Nhờ làm tốt, làm khéo công tác binh vận, ngay cả lệnh của Quản Hiến phải đóng Cửa Hậu nhưng binh lính không chấp hành.

Mũi tiến công thứ hai đến Toà sứ, nơi làm việc của toà giám binh Nhật do đồng chí Vũ Tiến Thọ chỉ huy tự vệ và đi đầu cầm cờ là đồng chí Lê Xuân Tương. Đoàn quân tiến thẳng vào Toà sứ không gặp một hành động chống đối nào. Phân đội tự vệ do Vũ Tiến Thọ chỉ huy đi vào dinh Tổng đốc cũ, Tỉnh trưởng Nguyễn Trác giao nộp con dấu, 6 khẩu súng lục và hồ sơ tài liệu cho lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Văn Yêm tiếp nhận và giao lại cho đồng chí Vũ Tiến Thọ bảo quản để sau đó giao nộp cho Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh. Đơn vị tự vệ dẫn Nguyễn Trác về tạm giữ ở tầng 2 nhà Công sứ cũ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Thanh Hóa diễn ra nhanh, gọn không xảy ra đổ máu.

Tối ngày 19 tháng 8 sau khi giành được chính quyền, Ủy ban khởi nghĩa Thành phố họp mở rộng lập ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Phạm Văn Sáu làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch, các ủy viên là những đại biểu cho các giới thanh niên, phụ nữ, công chức, công nhân, công thương.

Sáng ngày 20 tháng 8, những công sở quan trọng được giao cho một số đồng chí phụ trách: Công an tự vệ cục (Sở Cẩm cũ) do ông Nguyễn Khắc Thiệu; Trinh Sát Viện (Sở Liêm Phóng cũ) do ông Vũ Đình Chung; nhà Giây thép (Bưu điện) do ông Nguyễn Xuân Lênh; nhà Thông Tin (nhà Bác Cổ cũ) do ông Võ Đức Suyện (tức Hồ Lịch) phụ trách.

Chiều ngày 20 tháng 8 năm 1945 tại Vườn hoa Độc lập (khu đất giới hạn bởi các đường Lê Hữu Lập - Lê Hoàn - đại lộ Lê Lợi - Lý Thường Kiệt ngày nay), Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thành phố ra mắt nhân dân. Những ngày tiếp theo là sửa lại đường xá, vận chuyển vũ khí nộp cho cứu quốc quân… chuẩn bị đón Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh và Cứu quốc quân về ra mắt. Bộ phận hậu cần do các bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Trâm, bà Sự, bà Bích, bà Sáu chuẩn bị lương thực thực phẩm, nồi, chảo, bát đũa… huy động người phục vụ, để đón hơn ngàn cán bộ chiến sĩ cứu quốc quân từ các nơi trong tỉnh về mít tinh chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám.

10 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, thành phố Thanh Hóa rợp trời cờ đỏ sao vàng và dòng người từ các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc kéo vào, từ Sầm Sơn kéo lên, từ Quảng Xương, Nông Cống kéo ra, từ Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn đổ về thành phố Thanh Hóa (bến xe ô tô - nay là khu vực UBND tỉnh) tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ và ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Tất Đắc (quê ở Hoằng Hóa) làm Chủ tịch.

Sau 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Đông Dương, cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nhân dân Việt Nam từ đây thoát khỏi vòng nô lệ của thực dân, phong kiến từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình được sống cuộc đời tự do trong một đất nước độc lập. Nhân dân vùng đất phường Lam Sơn ngày nay cùng nhân dân thành phố Thanh Hóa hồ hởi phấn đấu tham gia gánh vác công việc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cán bộ, nhân dân thành phố Thanh Hóa, cán bộ nhân dân vùng đất phường Lam Sơn tự hào vì đã góp phần vào việc đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng chính quyền cách mạng của cả tỉnh Thanh Hóa.

III. NHÂN DÂN XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG KHÁNG CHIẾN GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 - 1954)

1. Nhân dân xây dựng bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng chế độ mới và chuẩn bị về mọi mặt bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (8/1945 - 12/1946)

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, tưởng chừng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp núp bóng phái bộ Anh quay trở lại xâm lược Nam Bộ. Trong lúc đó bọn phản động nội địa chờ thời cơ để ngóc đầu dậy chống phá cách mạng.

Phong trào quần chúng cách mạng xây dựng cuộc sống mới diễn ra sôi nổi, nhưng tổ chức cách mạng, mới chỉ có tổ chức Việt Minh. Vì thế vấn đề là phải nhanh chóng tổ chức kiện toàn các đoàn thể Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và thành lập các hội mới như: Công nhân cứu quốc, Công thương cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hóa cứu quốc, Nhi đồng cứu vong… tập hợp những người ưu tú giác ngộ làm nòng cốt.

Để đáp ứng yêu cầu cấp cấp bách của cách mạng, nhằm bảo vệ chính quyền vừa giành lại được, Tỉnh ủy quyết định thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã Thanh Hóa. Ngày 15 tháng 11 năm 1945, tại Nhà máy Đèn thị xã, đồng chí Bùi Đạt đại diện Tỉnh ủy về công bố quyết định của Tỉnh ủy thành lập. Sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong đời sống chính trị nhân dân thị xã. Lần đầu tiên nhân dân thị xã có được bộ tham mưu trực tiếp lãnh đạo, cùng nhân dân trong tỉnh hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó.

Hội Phụ nữ thị xã tổ chức Đại hội tại trường nữ sinh với 100 đại biểu, bà Lê Thị Ngọ (ở Lò Chum) được bầu làm Hội trưởng.

Đại hội thành lập Hội công chức cứu quốc gồm 150 người họp tại nhà Xéc Kiến Hương, bầu thầy giáo Lê Xuân Ấp (nhà ở đường Minh Khai hiện nay) làm Hội trưởng.

Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc bầu ông Nguyễn Văn Yêm làm Bí thư, ông Lê Kinh Hùng làm Phó Bí thư. Đầu năm 1946, ông Yêm chuyển công tác vào miền Nam Trung bộ, ông Lê Kinh Hùng làm Bí thư.

Hội Công nhân cứu quốc, Văn hóa cứu quốc, Công thương cứu quốc được thành lập và hoạt động sôi nổi. Đặc biệt Hội Công thương cứu quốc đã tập hợp đông đảo bà con công thương ở phố Lớn (nay là phố Trần Phú), phố Lò Chum. Họ đã tự nguyện góp vốn được 50 vạn đồng Đông Dương để mua thóc gạo dự trữ chống đói trong lúc giáp hạt sau tết Bính Tuất (1946).

Về tổ chức vũ trang vùng đất phường Lam Sơn có ông Nguyễn Khắc Thiệu (biệt danh Thiệu Cúm) làm cảnh sát trưởng; ông Vũ Đình Chung (biệt danh Chung Đất) làm Viện trưởng Viện trinh sát; đồng chí Trương Khâm làm chính trị viên Tự vệ Thành. Lực lượng du kích thị xã do ông Nguyễn Trọng Hoàn sau khi được học quân sự ở liên khu 4 về đã tiếp nhận chức chỉ huy trưởng thay cho ông Dương Danh Nhượng đi nhận công tác khác.

Cuộc vận động ủng hộ Tuần Lễ vàng (9-1945) được tổ chức tại Hành Cung (khu đất ngã tư đại lộ Lê Lợi - đường Hạc Thành), Ban vận động Thị xã đi vào từng nhà dân, đối tượng chính là những nhà có thực lực tài chính - kể cả nhà Hoa Kiều, Ấn Kiều... giải thích chủ trương chính sách đóng góp ủng hộ tài lực cho Chính phủ. Tổng kết toàn thị xã được 187 lạng 2 chỉ 4 phân vàng.

Tiếp theo tiến hành cuộc vận động quyên góp Tuần lễ đồng, kết quả toàn thị xã được 1.781 kilôgam đồng. Riêng khu phố II (nay là phường Lam Sơn) đóng góp tuần lễ vàng được 87 lạng 6 chỉ; tuần lễ đồng được 228kg.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân xây dựng “Hũ gạo cứu đói” trở thành một việc làm thường xuyên, trong từng phố, từng xóm giúp đỡ được nhiều người.

Phong trào thi đua diệt dốt: thực hiện lời kêu gọi “Chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào bình dân học vụ được phát động. Người chưa biết chữ thì đi học, người biết chữ thì đi dạy và vận động quyên góp giấy bút cho học viên nghèo túng … qua 3 - 4 tháng học tập nhiều người đã biết đọc, biết viết.

Trung tuần tháng 9/1945, hai mươi vạn quân Tưởng Giới Thạch, lợi dụng danh nghĩa đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Tháng 11/1945 khoảng một Trung đoàn quân Tưởng, kéo quân vào Thanh Hóa. Với tư cách chủ nhà, chính quyền lâm thời thị xã đã đón tiếp trọng thị. Nhưng ỷ thế Đồng Minh quân Tưởng làm nhiều điều ngang trái mất lòng dân. Các hiệu buôn bán lớn là người Hoa tưởng thế thời đã thay đổi cũng ngang nhiên treo cắm cờ Tưởng ở khắp nơi.

Nhân cơ hội này, bọn Đại Việt nổi dậy theo Việt quốc, Việt cách cùng kéo về hòng bóp chết chính quyền nhân dân non trẻ tại địa phương. Lợi dụng sự sơ hở trong tiêu chuẩn bầu cử Ủy viên Ủy ban lâm thời, Đặng Trần Hồ ở khách sạn Tứ Dân, một Việt quốc có hạng đã chui vào Ủy ban khu phố 6 làm Ủy viên tài chính. Y đã phá thông bờ tường phía sau nhà sang chiếm sở Nông Giang để tập hợp bọn Việt quốc ở đồn điền Di Linh (Nông Cống) về đây làm trụ sở chính của Việt Nam quốc dân Đảng phản động.

Dưới sự điều khiển của Đặng Trần Hồ và Nguyễn Hữu Nhơn, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm tỉnh bộ Quốc dân Đảng, bọn chúng đã dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc một số thanh niên kém giác ngộ, một số phần tử bất mãn để lập nên các đội vũ trang tiến hành hoạt động khủng bố, tống tiền … Chúng chiếm 13 nhà dân để lập các khu Bộ Quốc dân Đảng, nhưng khi chúng đến vùng đất phường Lam Sơn thì sự bất hợp tác của quần chúng nhân dân càng rõ rệt cho nên Nguyễn Trọng Cát, Nguyễn Trọng Kỷ, Lê Sơn, Lê Đồng… phải lén lút tránh sang hoạt động ở nơi khác.

Trận chiến đấu vạch mặt bọn phản động Việt quốc, Việt cách, Đại Việt diễn ra sôi nổi xung quanh các đường phố đại lộ Lê Lợi (đoạn từ Trung tâm phát hành sách đến ngã 5 Tượng đài Lê Lợi), đường Hàng Đồng, đường Triệu Quốc Đạt, đường Phan Chu Trinh, phố Trần Phú bắt Cao Đại, Cao Lịch ở khu phố Huế, ở sở Nông Giang... tháng 5/1946 phối hợp với cảnh sát Phủ Lý, Hà Nam bắt Đỗ Văn, Đặng Trần Hồ. Cuộc đấu tranh chống Tầu, Tưởng, bọn Việt quốc, Việt cách là một thắng lợi của chính quyền cách mạng và nhân dân, tự vệ thị xã trong đó có nhân dân khu phố 5 và 6.

Ngày 06 tháng 01 năm 1946, cùng nhân dân thị xã Thanh Hóa, cử tri phường Lam Sơn ngày nay phấn khởi đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Kết quả số cử tri đi bầu đạt trên 90% và đã bầu đủ số đại biểu theo quy định, đảm bảo đúng luật và an toàn.

Tháng 4 năm 1946, cử tri lại được trực tiếp bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và các phố thị xã theo quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân thị xã tiến hành bầu Ủy ban hành chính. Thị xã khóa I, do ông Phạm Văn Sáu làm Chủ tịch, ông Lê Trọng Tân, Phó Chủ tịch, ông Vũ Thức, Ủy viên thư ký.

Sau khi ổn định, Ủy ban hành chính thị xã căn cứ Nghị định ngày 28 tháng 01 năm 1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn bầu cử Ủy ban hành chính khu phố. Dựa vào địa bàn dân cư và số lượng cử tri, Ủy ban hành chính thị xã đã hợp nhất 11 khu phố rồi chia thành 4 khu phố mới. Vùng đất phường Lam Sơn là khu phố II, nhân dân đã bầu đồng chí Trương Khâm làm Chủ tịch. “Việc bầu cử Hội đồng nhân dân thị xã khóa đầu tiên đồng bào rất phấn khởi, đi bỏ phiếu gần 100%, rất có trật tự, phiếu bầu rất tập trung. Những người trúng cử đại bộ phận là lao động, dân nghèo, tri thức tham gia, một số là công chức của tầng lớp dưới. Có một số công chức lớp trên tập hợp thành nhóm tham gia tranh cử Hội đồng nhân dân thị xã, nhưng họ không trúng vì nhân dân không bỏ phiếu”(1).

Tháng 5 năm 1946 thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Hội Liên Việt nhằm tập hợp tất cả các đảng phái, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, xu hướng chính trị, dân tộc. Mặt trận Việt Minh từ đây cũng là một thành viên của Mặt trận Liên Việt.

Từ tháng 7 đến tháng 9/1946, phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đàm phán với phía Pháp tại Pari nhưng không thành công vì Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm không công nhận chế độ chính trị, ngoại giao và sự thống nhất ba kỳ của Việt Nam... trong khi đó lại dung túng cho bọn thực dân hiếu chiến ở Đông Dương lấn dần từng bước, trắng trợn phá hoại Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) nên đàm phán phải tạm dừng lại.

Với thái độ mềm dẻo, Hồ Chủ tịch đã ký Tạm ước 14 tháng 9 để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến(1).

Ngày 20 tháng 11 năm 1946, Pháp bội ước gây chiến ở miền Bắc.

Ngày 20 tháng 12 năm 1946, Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

“Hỡi đồng bào toàn quốc”!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào ! Chúng ta phải đứng lên !...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân thị xã và tự vệ thành, tự vệ khu phố tiến hành củng cố tổ chức từ thị xã xuống khu phố, tăng cường luyện tập quân sự, nâng cao kỹ thuật chiến đấu cá nhân, chiến thuật du kích. Thực hiện một phong trào đục thủng các bức tường ngăn cách các hộ gia đình, tạo thành đường bí mật trong từng dãy phố, đào đắp công sự kháng chiến trên các trục đường ngã ba, ngã tư … Nhiều gia đình đã di chuyển bớt đồ đạc, sơ tán ông bà già, trẻ em về nông thôn. Tết Đinh Hợi (1947) thực sự là tết tiết kiệm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

2. Nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 - 1954)

Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào thăm Thanh Hóa. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, nói chuyện với đại biểu thân sỹ, trí thức, Phú hào cả tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian gặp gỡ nhân dân thị xã Thanh Hóa vào tối ngày 20 tháng 2 năm 1947 tại Nhà Thông tin (nhà Bác Cổ, nay là khu vực Trung tâm phát hành sách và Công ty in Ba Đình). Với vị thế của tỉnh Thanh Hóa trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, “làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu... quyết tâm làm thì sẽ thành một tỉnh kiểu mẫu”.

Làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, cán bộ nhân dân thị xã Thanh Hóa, trong đó có vùng đất phường Lam Sơn - thực hiện triệt để tiêu thổ kháng chiến. Các cơ quan cũ của Pháp xây dựng từ Toà sứ, nhà Giây thép, sở Đoan, sở Cẩm, sở Liêm phóng… đều bị phá sập. Các dãy nhà đồ sộ, to lớn như khách sạn Rây Nô (Raynaud), Tân Thành Vinh, Phúc Hưng… đều bị san bằng. Nhà dân từ trên phố, đến trong làng đều do tự tay mình phá để quyết tâm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1947, nhà cửa, kho tàng, hiệu buôn của thị xã Thanh Hóa, làng Phú Cốc, xóm Bào Giang đều trở thành đống đổ nát hoang tàn. Nhân dân gồng gánh tản cư về thôn quê. Tập trung nhất là ở cầu Bố, Mật Sơn vì đó là nơi thuận tiện buôn bán đón hàng từ Nghệ An ra, từ Đò Quan, Chợ Đại vào… vì thế đã thu hút “đa số dân chúng tản cư… trở về từ Cầu Bố làm nhà để ở và kinh doanh”. Tháng 8 năm 1949, khu phố đặc biệt Cầu Bố ra đời - ông Lâm Quang Đồng được bầu làm Chủ tịch.

Đầu năm 1951, bộ máy lãnh đạo khu phố Cầu Bố chuyển về Nấp, Nhồi (nay là phường An Hưng). Cuối năm 1951 thành lập phố Vườn Hoa “do dân tự động làm 300 nóc nhà” mà UBKCHC tỉnh chỉ thị phải “tổ chức chính quyền xóm... (trực thuộc UBKCHC xã Đông Hương) để hướng dẫn họ… không nên để họ vô tổ chức như tình trạng hiện thời”. Tháng 8 năm 1952, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh ra Quyết định lập Ủy ban kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt. Ngày 20/8/1952, tại xóm Bào Giang, Ủy ban kháng chiến hành chính Thị trấn đặc biệt Thanh Hóa làm lễ ra mắt do ông Đặng Sỹ Tuy làm Phó Chủ tịch. Đơn vị hành chính của Thị trấn đặc biệt gồm 6 khu phố, trong đó “khu phố 6 gồm địa điểm từ trường Lê Bảo Tịnh đến Vườn hoa Độc Lập, xuống Phú Cốc”(1). Tháng 10 năm 1953, UBKCHC khu phố Vườn Hoa đã vận động tổ chức các hộ tiểu thương đi tản cư về Lưu Vệ, Quán Nam… họ vẫn bám đường vận chuyển hàng hóa trong ra, ngoài vào, nhiều gia đình đã sáng tạo hình thức chuyển hàng, ban đầu là thồ trên giá đèo hàng, về sau dựng tay ngai, cọc thồ, ghế tựa… chuyên chở được nhiều hàng hơn… theo đường Bôn - Kiểu; Kim Tân - Rịa, Nho Quan - Hòa Bình… lên Việt Bắc, Tây Bắc.

Giai đoạn cuộc kháng chiến chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, Ủy ban kháng chiến hành chính thị trấn đặc biệt Thanh Hóa, trong đó có khu phố Vườn Hoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dân công phục vụ tiền tuyến từ chiến dịch Tây Bắc (10/1952), Thượng Lào (4/5/1953), Tây Nam Ninh Bình (10/11/1953), mở đường 41 vào chiến dịch Điện Biên Phủ (12/1953 - 2/1954) trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954), trong đội hình chung của cả thị trấn nổi lên những người chỉ huy, những chiến sĩ giỏi của vùng đất phường Lam Sơn.

Bốn đợt dân công xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Thượng Lào, đoàn dân công xe đạp thồ đầu tiên của thị xã Thanh Hóa do ông Thái Thanh làm Trưởng đoàn được Hồ Chủ tịch tặng cờ Thi đua khá nhất. Đợt thứ 3 do ông Nguyễn Văn Thới chỉ huy đã bám sát bộ đội cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Chiến dịch kết thúc, đoàn được nhận lá cờ “đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông 1953” của Hồ Chủ tịch trao tặng, và lá cờ “Quân đội giải phóng Lào trao tặng đoàn dân công xe đạp có thành tích”. Chiến sĩ Bùi Xuân Tín, người có năng suất thồ cao nhất được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.

Dân công gánh bộ vận chuyển gạo phục vụ dân công sửa đường 41 vào Điện Biên, chia làm nhiều đoàn. Riêng đoàn do ông Phạm Doãn Ứng làm đoàn trưởng, được biên chế thành 4 đại đội (3 đại đội nam - 1 đại đội nữ). Đại đội nữ gồm 152 chị em, phần lớn là tiểu thương buôn thúng bán mẹt xung phong đi phục vụ tiền tuyến. Buổi đầu đi xa nhớ nhà, lại chưa quen gánh vác nặng, nhiều chị em chán nản. Song nhờ sự động viên kịp thời của Ban chỉ huy, sự giúp đỡ nhiệt tình của những chị em đã quen vai gồng gánh có kinh nghiệm giúp đỡ, dần dần mọi người đều vui vẻ trong sinh hoạt tập thể, thực sự thương yêu nhau, hoàn thành cả đợt dài 3 tháng phục vụ trên tuyến đường Thanh Hóa - Hồi Xuân - Phú Lệ - Vạn Mai (Hòa Bình) đến đường 41 là giao gạo. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, đại đội phó đại đội dân công nữ, người có nhiều đóng góp xây dựng đại đội hoàn thành nhiệm vụ được công nhận là chiến sĩ thi đua loại I của toàn tuyến...

Trên đường hành quân phục vụ tiền tuyến đi qua phố Đầm - Thọ Xuân, dân công vùng đất phường Lam Sơn gặp lại hai người xóm Bào Giang thành đạt trong tản cư là ông Lý Quang Họa một chủ kinh doanh luồng nứa tranh tre gỗ phiến và ông Nguyễn Văn Lan, một viên chức của ngành bình dân học vụ.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân phường Lam Sơn được Chủ tịch nước tặng thưởng 2 Huân chương kháng chiến cùng nhiều giấy khen của các cấp và tự hào với lời khen của Hồ Chủ tịch khi người về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (13/6/1957) “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.


(1). 5 Chi bộ gồm: Hàm Hạ (Đông Sơn), Phúc Lộc (Thiệu Hóa), Yên Trường (Thọ Xuân), Cự Đà (Hoằng Hóa) và Hà Trung.

(1). Gô Đa là phái viên của Mặt trận Bình dân Pháp, được cử sang Đông Dương để điều tra tình hình thuộc địa.

(1). Nay là Nhà xuất bản Thanh Hóa.

(1). Hồi ký ông Lê Văn Trường một cử tri của thành phố.

(1). Hồ Chủ tịch đi Pháp từ 31/5/1946, 16/9/1946, Hồ Chủ tịch rời Pari về Việt Nam vào ngày 20/10/1946 (Người về đến Hải Phòng).

(1). Trường Lê Bảo Tịnh đặt tại nhà Dòng (khu vực Trường Trần Mai Ninh hiện nay). 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
520
Hôm qua:
802
Tuần này:
4074
Tháng này:
11853
Tất cả:
371207

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289