ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM! - NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM!
công sở 2.jpg

Công sở Đảng ủy -  HĐND- UBND - UB MTTQ và các đoàn thể phường Lam Sơn


Phường Lam Sơn ngày nay, trước là mảnh đất có những mái nhà dọc theo dòng sông Cốc yên bình, lặng lẽ.

Đến thế kỷ thứ XIX (1802) khi Vua Gia Long lên ngôi chọn Thọ Hạc làm nơi đặt tỉnh lỵ đã sáp nhập thêm Tuần Phú Cốc về để mở rộng thành tỉnh. Cho đến cuối thế kỷ XIX, tỉnh lỵ Thanh Hóa nằm trên các làng là Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố, Đức Thọ Vạn, Cốc Hạ, Phú Cốc, Cẩm Bào Nội. Ngày 12/7/1899, thông qua Khâm sứ Trung kỳ, Vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa do công sứ Pháp trực tiếp quản lý.

Đến năm 1918, thành lập 10 phường, gồm có: Tả Môn (Cửa Tả), Bắc Môn (Cửa Hậu), Nam Môn (Cửa Tiền), Đông Lạc, Thành Thi, Nam Lý, Phú Cốc, Vân Trường, Bào Giang, Đức Thọ. Vùng đất phường Lam Sơn có phường Tả Môn (852 người), phường Phú Cốc (409 người), phường Bào Giang (375 người). Tổng cộng là 1.636 người (bằng 23,3% dân số thị xã lúc đó).

Để phục vụ cho chương trình khai thác thuộc địa, ngày 31/5/1929 toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định nâng cấp thị xã lên thành phố. Sau đó, chia thành phố thành 6 phường, vùng đất phường Lam Sơn thuộc phường Đệ Tam và một phần phường Đệ Tứ.

Các mạng tháng tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chính quyền các cấp được xác lập. Đầu năm 1946, Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa quyết định chia thị xã thành 4 khu và phường Lam Sơn ngày nay thuộc khu phố II (từ phía Bắc phố Tống Duy Tân đến phía Nam Đại lộ Lê Lợi). Trong 9 năm (1946-1954) cùng nhân dân trong tỉnh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân vùng đất Lam Sơn ngày một đông hơn do bà con nhân dân từ các nơi nhập về, đồng thời, có thời gian nhập vào xã Đông Trấn.

Sau ngày hòa bình lập lại, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định chia thị xã Thanh Hóa thành 6 khu phố, vùng đất Lam Sơn ngày nay gồm 2 khu phố là khu phố 5 và khu phố 6. Ngày 29/3/1959, cuộc bầu cử HĐND thị xã lần thứ II và HĐND khu phố lần đầu tiên được tổ chức theo Luật tổ chức HĐND năm 1958. Đến cuối năm 1960, Chính Phủ chủ trương chia các khu phố thành các tiểu ban hành chính, thị xã Thanh Hóa được chia thành 18 Tiểu khu, trong đó khu phố 5 và khu phố 6 được chia thành 6 tiểu khu nhỏ là: Vườn Hoa, Bắc Sơn, Công Nông, Ngọc Trạo, Lê Lợi, Lê Hồng Phong (lúc đầu gọi là Ban đại diện hành chính tiểu khu, sau gọi là Ban hành chính tiểu khu). Tiếp đó, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định sáp nhập các tiểu khu. Tháng 12/1963, Ủy ban hành chính thị xã triển khai sáp nhập 18 tiểu khu thành 10 tiểu khu nhỏ. Các tiểu khu Vườn Hoa, Bắc Sơn, Công Nông, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Ngọc Trạo, Quyết Thắng sáp nhập thành Tiểu khu Hoàng Hoa Thám – thuộc vùng đất phường Lam Sơn ngày nay và ổn định địa dư hành chính đến tháng 12/1972. Giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ hai của Đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt, Ủy ban hành chính tỉnh tiếp tục quyết định sáp nhập khu dân cư Lai Thành (thuộc xã Đông Hải, huyện Đông Sơn) vào thị xã Thanh Hóa giao cho tiểu khu Hoàng Hoa Thám quản lý. Từ đây, tiểu khu Hoàng Hoa Thám quản lý 8 tiểu khu nhỏ và về mặt địa dư hành chính ổn định đến năm 1981.

Trong 21 năm cùng cả nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tiến hành chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện chiến trường Miền Nam ruột thịt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã tiễn đưa 837 người con của quê hương lên đường ra mặt trận; thành lập được 2 tiểu đội Thanh niên xung phong và hàng trăm người tham gia dân công hỏa tuyến.

Với những đóng góp đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong phường đã được Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương: 01 Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1969) về thành tích tuyển quân chi viện; 01 Huân chương lao động hạng Ba (1977) về công tác thương binh xã hội và 01 Huân chương kháng chiến hạng Ba (1981) về công tác tuyển quân chi viện chiến trường; có 7 Mẹ được phong tặng, truy tặng Mẹ Việt Nam Anh Hùng và 3 cụ được công nhận Lão thành Cách mạng, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp. Đó vừa là động lực tinh thần to lớn, vừa là hành trang tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiểu khu Hoàng Hoa Thám bước vào thời kỳ mới.

Sau nhiều năm xây dựng, khảo nghiệm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, của cấp chính quyền cơ sở ở nội thị, ngày 3/01/1981, Hội đồng chính phủ quyết định thống nhất các đơn vị hành chính cơ sở nội thành, nội thị của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và quận gọi là phường. Phường có HĐND và Ủy ban nhân dân. Căn cứ vào quyết định của Chính phủ, theo đề nghị của UBND thị xã, ngày 3/7/1981, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 511/TC/UBTH, chia lại các tiểu khu, chuyển thành cấp phường. Đồng thời quyết định của UBND tỉnh cũng ghi rõ trong khi chờ việc bầu cử HĐND và UBND, UBND thị xã chỉ định ở mỗi phường một UBND lâm thời để quản lý và điều hành nhiệm vụ của phường. Theo đó UBND thị xã triển khai chuyển khối Lai Thành của Tiểu khu Hoàng Hoa Thám thành phường Đông Sơn; đổi tên Tiểu khu Hoàng Hoa Thám thành phường Lam Sơn. Phường Lam Sơn ổn định địa dư hành chính đến ngày nay. Vào thời điểm đó, phường quản lý 6 khối phố với 54 tổ nhân dân, 11 Hợp tác xã (trong đó có 01 Hợp tác xã nông nghiệp; 5 Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp; 4 Hợp tác xã dịch vụ- xây dựng và 01 Hợp tác xã mua bán).

Tính đến thời điểm hiện tại, Với diện tích tự nhiên gần 1 km2, phường có 3048 hộ dân và 10.495 nhân khẩu. Thực hiện Quyết định 3110/QĐ-UBND ngày 18/7/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án sáp nhập tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, UBND phường đã thực hiện sáp nhập các tổ dân phố trên địa bàn phường từ 21 tổ dân phố còn 12 tổ dân phố, toàn phường có 16 chi bộ, 15 cơ quan, đơn vị và 535 doanh nghiệp, 1.122 hộ kinh doanh cá thể.

Địa giới phường tiếp giáp với các phường:
- Phía Bắc giáp phường Điện Biên, Trường Thi
- Phía Nam giáp phường Đông Vệ, Ngọc Trạo, Ba Đình
- Phía Đông giáp phường Đông Hương, Đông sơn
- Phía Tây giáp phường Ba Đình, Tân sơn.

Ngày 22/11/1981, tổ chức bầu HĐND phường. HĐND bầu UBND gồm 7 ông bà. HĐND bầu ông Nguyễn Hữu Mỡn làm chủ tịch UBND phường (thời kỳ này chưa có chủ tịch HĐND, hầu hết các địa phương chủ tịch UBND đồng thời làm nhiệm vụ của chủ tịch HĐND). Tiếp theo đó dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, UBND thị xã Thanh Hóa, UBND phường và các tổ chức đoàn thể quần chúng được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ viên chức của Ủy ban được nâng dần về nghiệp vụ chuyên môn và trình độ lý luận.

Chặng đường của những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới là thời kỳ cả nước có nhiều khó khăn: kinh tế suy thoái, lạm phát cao… lại trong hoàn cảnh đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, nên nhiều khó khăn chồng chất.

Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền phường quan tâm đặc biệt là việc nâng cao nhận thức và đổi mới sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương để bứt phá đi lên. Vì vậy đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch triển khai để đổi mới về kinh tế trên từng lĩnh vực.

Năm 2016, phường được công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Năm 2019, phường đạt tiêu chí “phường An toàn thực phẩm”. Phường đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2020. Cả 3 nhà trường: Trường Mầm non Lam sơn, trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, trường THCS Cù Chính Lan đều đạt danh hiệu Trường chuẩn quốc gia./.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
137
Hôm qua:
449
Tuần này:
2470
Tháng này:
11498
Tất cả:
352598

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289